Trong xu hướng bảo hộ thương mại và bất ổn chính sách gia tăng, các nước đang phát triển có nguy cơ rơi vào vòng xoáy phá giá tiền tệ (vừa bị động vừa chủ động). Những điểm đáng lưu ý là đồng tiền của các nước Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Nam Phi… đều mất giá mạnh (10-20%); dòng vốn rút khỏi các nước mới nổi tăng mạnh trong quý II; ngân hàng trung ương nhiều nước phải thắt chặt tiền tệ.
Cũng theo ông Phạm Thế Anh, những tác động của kinh tế thế giới đến Việt Nam đầu tiên là cán cân thương mại bị ảnh hưởng (có thể gián tiếp qua kênh Trung Quốc), tỷ giá neo cứng nhắc vào USD khiến hàng hóa kém cạnh tranh hơn. Bên cạnh đó, dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam có thể suy giảm, với việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng dần lãi suất chính sách (dự kiến 2 lần nữa trong năm 2018 và 2 lần trong năm 2019).
Cùng với đó là áp lực phá giá đồng nội tệ do kỳ vọng FED nâng lãi suất cơ bản, khiến cho đồng USD trở nên mạnh hơn so với các đồng tiền khác. Ngoài ra, lãi suất có xu hướng gia tăng trở lại để ổn định tỷ giá và phòng ngừa lạm phát.
Dù vậy, triển vọng kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn được nhìn nhận tích cực, khi tốc độ tăng trưởng GDP có thể đạt 6,7%; tỷ lệ lạm phát vào khoảng 4-5% trong năm 2018 và 2019; VNĐ được dự kiến sẽ mất giá 2-3%/năm, lãi suất điều hành sẽ tăng nhẹ, tăng trưởng tín dụng/cung tiền sẽ bị khống chế ở mức quanh 15%…
Theo đại diện Công ty chứng khoán MB, với TTCK Việt Nam, mặc dù về mặt định giá không còn rẻ, song khả năng tăng trưởng vẫn tiếp diễn nhờ động lực từ nhà đầu tư nước ngoài và nguồn vốn nội địa dồi dào, trên nền tảng tăng trưởng tốt của các doanh nghiệp niêm yết.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng trước các biến cố từ TTCK thế giới; diễn biến cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc; xu hướng chứng khoán Hoa Kỳ và các thị trường lớn; hành động của FED thời gian tới; diễn biến lợi suất trái phiếu 10 năm Hoa Kỳ và USD Index; xu hướng dòng vốn quốc tế…