Khả năng thị trường đã đi qua điểm thấp nhất trong quý III/2011 nhưng chưa thể có sự đột biến trong những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012. Lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm theo kì vọng của NHNN nhưng khó có thể giảm thêm trước áp lực về lạm phát, tỷ giá và lãi suất liên ngân hàng do sự mất cân đối giữa các ngân hàng lớn – nhỏ dù NHNN đã có nhiều biện pháp hỗ trợ. Ngoài ra, một thông tin cần được quan tâm là diễn biến không thể dự báo được của thị trường chứng khoán thế giới đang có ảnh hưởng lớn đến giao dịch của khối NĐTnước ngoài và tâm lý NĐT trong nước.
Đầu tháng 9/2011, lãi suất huy động đã được đưa về mức 14% tạo nên sự hưng phấn cho TTCK, cùng với đó lãi suất cho vay cũng có tín hiệu giảm, một số chương trình ưu đãi lãi suất đã được áp dụng. Tuy nhiên so với dư nợ khoảng 2.300 nghìn tỷ đồng toàn nền kinh tế, các gói lãi suất thấp (17% -19%) của các ngân hàng còn khá nhỏ, lãi trên 20% vẫn khá phổ biến ở một số ngân hàng. Với độ trễ giữa huy động và cho vay, có thể kì vọng lãi suất trong những tháng cuối năm sẽ về mức 19% theo định hướng của NHNN. Lãi suất cho vay giảm tuy không giúp tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp có sự đột biến nhưng có thể giảm bớt khó khăn mà trước mắt là chi phí tài chính.
Diễn biến tỷ giá tháng 9/2011 tiếp tục căng thẳng do mức chênh lệch lãi suất VND – USD giảm, các khoản vay USD sắp đáo hạn và nguyên nhân chính theo chúng tôi là sự chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, có thời điểm lên đến 4 – 5 triệu đồng/lượng. Lý giải có sự chênh lệch này theo nhiều đầu mối cung cấp vàng là do hạn ngạch nhập vàng thấp trong khi nhu cầu trong nước tăng cao gây nên sự mất cân đối giữa cung – cầu. Một số thông tin cho rằng có khả năng NHNN sẽ cùng với các NHTM và SJC tạo lập Quỹ bình ổn giá vàng nhằm tận dụng nguồn vàng đang dư thừa tại các NH, đồng thời giúp giá vàng ổn định. Hiện thông tin chính thức vẫn chưa được công bố nhưng nếu có thể ổn định được thị trường vàng sẽ giúp giảm bớt áp lực lên tỷ giá.
Giá trị bán ròng tháng 9/2011 của nhà đầu tư nước ngoài lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2009. Động thái này có thể dễ dàng lý giải trước những khó khăn của thị trường chứng khoán thế giới, một lượng lớn vốn đang có dấu hiệu rút ra khỏi các thị trường chứng khoán mới nổi. Trên thực tế, các cổ phiếu tại thị trường Việt Nam vẫn khá hấp dẫn, bằng chứng là trong thời gian gần đây hàng loạt các hoạt động M&A, mua chiến lược tiếp tục được thực hiện, điển hình có Ngân hàng Mizuho của Nhật Bản mua Vietcombank hay Diageo hoàn tất việc mua thêm 1 triệu cổ phiếu Halico. Tuy nhiên, dù sao thì với những khó khăn từ TTCK thế giới, động thái rút vốn của khối ngoại là áp lực lớn cho TTCK Việt Nam trong tháng 10/2011.
Với những khó khăn vẫn còn tồn tại, khó có thể kỳ vọng dòng tiền vào ngày càng tăng và bền vững trong thời điểm hiện tại. Hiện thực hóa lợi nhuận khi VN-Index vượt 460 điểm, HNX-Index vượt 78 điểm và có thể giải ngân khi VN-Index về dưới 420 điểm, HNX-Index về mức dưới 70 đối với các nhà đầu tư ngắn và trung hạn. Đối với các nhà đầu tư dài hạn, chúng tôi vẫn kì vọng thị trường đã có sự chuyển biến tích cực, vì vậy những phiêm giảm điểm là cơ hội tích lũy thêm cổ phiếu.
Các ngành có triển vọng tốt mà NĐT có thể theo dõi và giải ngân trong thời gian tới là cao su, phân bón, dầu khí và một số cổ phiếu thuộc ngành thực phẩm. Quý nhà đầu tư có thể tham khảo các cổ phiếu được chúng tôi đánh giá có triển vọng đầu tư tốt trong năm 2011 trong báo cáo cập nhật “Cổ phiếu triển vọng 2011” được phát hành vào tháng 8/2011.