Tại hội thảo “tác động của thị trường chứng khoán lên thị trường tài chính Việt Nam, những khuyến nghị chính sách” sáng 29.7 tại Hà Nội, ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề xuất Chính phủ cần mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài đối với các mã cổ phiếu tốt.
Cần nhà đầu tư nước ngoài để tạo ra “sóng”
Ông Nghĩa nhận định: thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở trong tình trạng rất nguy hiểm, vì đã lao đốc mấy năm nay rồi. Nhưng chính lúc đang ở điểm đáy, thị trường sẽ có thay đổi lớn về chu kỳ, một là tiếp tục đi xuống tới mức sụp đổ, hai là tăng trưởng chu kỳ mới.
Ông Nghĩa nói, sau khi được tham vấn, nhiều chuyên gia kinh tế đã dự báo, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chắc chắn tăng trưởng trở lại theo chu kỳ. Vấn đề là thời gian suy giảm quá lâu, đáy chữ U rộng nên sự phục hồi sẽ chậm.
Ông đề xuất Chính phủ cần mở room cho các nhà đầu tư nước ngoài với các mã cổ phiếu tốt như Vinamilk. Các mã cổ phiếu tốt khác như cao su, khoáng sản… còn room, triển vọng tốt, nhưng thanh khoản yếu, thì cần thu hút các nhà đầu tư lớn, để họ tạo ra sóng, giúp các nhà đầu tư nhỏ lướt sóng, tạo nên tính thanh khoản.
Về phía các quỹ đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, sắp tới là thời kỳ hạn thoái vốn, vì tất cả các quỹ được thành lập từ năm 2005-2007, thời gian của các quỹ là 5-8 năm. Do đó, theo ông Nghĩa, từ 2012, sẽ bắt đầu có dòng thoái vốn của các quỹ. Nếu thị trường chứng khoán không có các nhà đầu tư mới, không được phục hồi nhanh, các nhà đầu tư không lập quỹ mới ở lại, thì thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đi về đâu?
Bổ sung thêm ý kiến này, ông Dominic Scriven, CEO của quỹ Dragon Capital cho biết, hiện nay các quỹ đều thua lỗ, nên họ đang tính đến việc có ở lại Việt Nam hay không. Đặc biệt, ông Scriven nói rằng tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước khiến các nhà đầu tư nước ngoài chán nản vì quá chậm chạp. Các công ty lớn như MobiFone, Vinaphone, BIDV có tiến độ cổ phần hoá rất chậm. Và khi cổ phần hóa, Nhà nước vẫn là cổ đông lớn (như Petrolimex có 95% của Nhà nước, PV Gas có 75%…).
Từ đó, ông Scriven khuyến nghị Việt Nam cần thúc đẩy quá trình cổ phần hóa thông qua việc xác định một lộ trình mới, với mục tiêu rõ ràng và biểu thời gian hợp lý, giảm quyền sở hữu Nhà nước tại các DN, cần có sự minh bạch thông tin ở cấp độ vĩ mô, giải thích về các chính sách mới…
Kinh tế đã qua giai đoạn khó khăn nhất
Ông Lê Xuân Nghĩa nhận định, đến nay nền kinh tế Việt Nam có lẽ đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, với các chỉ số vĩ mô tích cực. Đó là tỷ giá hối đoái tự do giảm từ 22.500đ/USD trong tháng 2 xuống còn 20.600đ/USD trong tháng 6. Dự trữ ngoại tệ tăng trở lại, tháng 6.2011 ở mức 5 tuần nhập khẩu. Dự kiến cuối năm bằng 6 tuần nhập khẩu (mục tiêu 12 tuần nhập khẩu của Chính phủ là xa vời). Bên cạnh đó, áp lực lạm phát giảm, dự kiến CPI theo năm có thể đạt 21 – 22% trong tháng 7 và 8, sau đó giảm mạnh từ tháng 9, cuối năm dự kiến ở mức 15%. Lãi suất có xu hướng giảm, thanh khoản ngân hàng ổn định mặc dù chưa thật vững chắc.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng cảnh báo khả năng xảy ra lạm phát đình đốn vào cuối năm. Với tốc độ tăng trưởng tín dụng như 6 tháng qua thì tăng trưởng kinh tế quý III và IV có thể chỉ đạt 4%. Tình trạng thiếu vốn sẽ khiến lãi suất cao, dẫn đến đầu tư và tiêu dùng đều giảm, sản lượng giảm. Từ đó làm thiếu hàng hóa làm giá lại tăng.