Bởi vậy, các chuyên gia tham dự Hội thảo “Chính sách thuế trên TTCK Việt Nam” do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 4/10 khuyến nghị, cần sử dụng chính sách như là một công cụ quan trọng để khuyến khích TTCK phát triển vững chắc và hiệu quả hơn.
Nhiều bất hợp lý
Những bất hợp lý của chính sách thuế đối với TTCK hiện tại, theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam, là do nhìn nhận của các cấp quản lý, xây dựng chính sách chưa đầy đủ, sâu sắc về vai trò của TTCK với tư cách là kênh huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế. Thực tế, sau 11 năm phát triển, TTCK đã huy động được cho nền kinh tế và DN lượng vốn lên đến 400.000 tỷ đồng. Thế nhưng, có vị đại biểu Quốc hội đánh giá, TTCK chẳng khác nào “sòng bạc”.
“Vì nhận thức như vậy, nên chính sách thuế đối với TTCK đang bộc lộ nhiều bất hợp lý, chưa hỗ trợ thị trường phát triển nhiều, nếu không muốn nói là đang tận thu, vì ngay cả với trường hợp đầu tư thua lỗ, NĐT vẫn phải đóng thuế”, ông Kỳ nói.
Cần tư duy mới về xây dựng chính sách thuế chứng khoán Theo các thành viên thị trường, để sử dụng công cụ thuế linh hoạt, phù hợp với mục tiêu định hướng phát triển TTCK trong các giai đoạn khác nhau, cụ thể là khi thị trường tăng nóng thì áp dụng các biện pháp tăng thuế và ngược lại, nên trao thẩm quyền ban hành chính sách thuế đối với TTCK cho Bộ Tài chính như kinh nghiệm của nhiều nước, mà Trung Quốc là ví dụ. Điều này phù hợp với điều kiện mỗi năm Quốc hội Việt Nam chỉ họp 2 lần, nên các vướng mắc về thuế rất chậm được khắc phục, gây cản trở cho sự phát triển của TTCK. Nên ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn riêng về thuế trong lĩnh vực chứng khoán để có thể bao quát được đầy đủ các quy định về thuế đối với các đối tượng tham gia thị trường, tránh hướng dẫn rải rác trong nhiều văn bản như hiện nay, vừa khó thực hiện, mà khi cần sửa đổi, bổ sung cũng không đơn giản. |
Theo TS. Tôn Tích Quý, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đào tạo chứng khoán (UBCK), Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với kinh doanh chứng khoán đang thể hiện 2 bất hợp lý: thuế cổ tức đánh trùng, vì đã thu thuế thu nhập DN; thuế chuyển nhượng chứng khoán đánh sai, vì đầu tư thua lỗ, thậm chí lỗ nặng nhưng NĐT vẫn phải đóng thuế.
Ông Lê Hồ Khôi, Chủ tịch HĐQT CTCK Tràng An cho biết, nhiều NĐT lựa chọn hình thức nộp thuế 20% trên thu nhập, nhưng đã bị khấu trừ 0,1%/giá trị giao dịch đã đặt câu hỏi: bao giờ họ được hoàn thuế? Nếu cơ quan thuế khất lần theo kiểu để dành khấu trừ vào năm sau, nhưng NĐT không tham gia thị trường nữa thì sao? CTCK không trả lời được câu hỏi này.
Những bất hợp lý của chính sách thuế đối với TTCK cũng được cơ quan quản lý thị trường nhận diện có hệ thống, khi TS. Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK chia sẻ, bất cập của chính sách thuế thể hiện qua 3 loại thuế: thu nhập DN, giá trị gia tăng (GTGT) và TNCN đối với lĩnh vực chứng khoán.
Về thuế thu nhập DN, theo quy định tại Thông tư 228/2009/TT-BTC hướng dẫn chế độ trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho…, thì CTCK không thuộc đối tượng áp dụng của Thông tư này. Thế nhưng, do Bộ Tài chính chưa có văn bản nào hướng dẫn CTCK thực hiện trích lập dự phòng, trong khi CTCK hoạt động tự doanh đang phải chịu những khoản lỗ khi giá cổ phiếu giảm và việc trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán là cần thiết để đảm bảo minh bạch tình hình tài chính, nên họ không biết trích lập ra sao. Vì vướng mắc này mà những tranh luận về trường hợp trích lập dự phòng của CTCK TP. HCM có cơ sở hay không sau gần 2 năm diễn ra đến nay, vẫn chưa có hướng tháo gỡ. Trong khi chờ văn bản hướng dẫn, nên cho phép CTCK được vận dụng Thông tư 228 để trích lập dự phòng.
Vướng mắc về thuế GTGT, theo UBCK, chủ yếu bộc lộ qua một số nghiệp vụ kinh doanh mới phát sinh trên TTCK, nhưng do các quy định về thuế GTGT chậm được sửa đổi, nên dẫn đến cách hiểu khác nhau về việc có đánh thuế đối với các nghiệp vụ này hay không. Tranh luận về có đánh thuế đối với phí dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán hay không thời gian qua là một ví dụ. Muốn khắc phục tình trạng này, các dịch vụ tài chính hợp pháp khác của CTCK cần được bổ sung linh hoạt vào đối tượng không chịu thuế GTGT.
Cần giải pháp cả gói
Nhiều ý kiến cho rằng, việc không đánh thuế TNCN đối với cổ tức là phù hợp trong bối cảnh TTCK có quy mô còn nhỏ và đang trong giai đoạn cần khuyến khích NĐT bỏ vốn vào thị trường để tài trợ dài hạn cho nền kinh tế và DN. Theo ông Sơn, nên loại bỏ sắc thuế 5% trên thu nhập từ cổ tức được chia, do đây là thu nhập sau thuế thu nhập DN (đã chịu thuế thu nhập DN) và khi chi trả cổ tức làm giảm giá cổ phiếu. Cũng cần loại bỏ thuế đánh vào cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, vì khi thực hiện trả thưởng, các DN đều phải đảm bảo nguồn thực hiện từ các quỹ của DN (trích từ lợi nhuận sau thuế). Hơn nữa, trả thưởng bằng cổ phiếu thực chất là hình thức tách cổ phiếu, khi trả thưởng sẽ điều chỉnh giảm giá cổ phiếu tương ứng, nên không đem lại thu nhập thực tế cho cổ đông. Việc loại bỏ thuế TNCN đối với cổ tức sẽ góp phần khuyến khích NĐT đầu tư vốn trực tiếp vào sản xuất – kinh doanh và đảm bảo bình đẳng với lãi tiền gửi tiết kiệm hiện không bị đánh thuế.
Để khuyến khích TTCK phát triển, UBCK cũng kiến nghị cần điều chỉnh nhiều chính sách thuế. Về dài hạn, cần sửa đổi thuế TNCN đối với chuyển nhượng chứng khoán theo hướng chỉ áp dụng một phương pháp đánh thuế là sử dụng tỷ lệ thuế khoán để thay thế cho hai phương pháp đang bộc lộ nhiều bất hợp lý hiện tại, mà điển hình là đầu tư lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế. Mặt khác, để khuyến khích DN lên niêm yết, tạo hàng hoá có chất lượng cho thị trường, chính sách thuế TNCN đánh vào hoạt động chuyển nhượng chứng khoán nên có sự phân biệt giữa cổ phiếu niêm yết, chưa niêm yết và đăng ký giao dịch. Cụ thể, đối với chứng khoán niêm yết trên HOSE và HNX áp dụng mức thuế 0,05%/doanh số bán, tỷ lệ này đối với chứng khoán giao dịch trên UPCoM là 0,1% và chứng khoán chưa niêm yết nên là 0,2%.
Bộ Tài chính cũng cần xem xét giảm thuế suất thuế khấu trừ tại nguồn đối với lãi tiền vay của NĐT nước ngoài. Hiện mức thuế suất 10%/lãi tiền vay áp dụng đối với tổ chức nước ngoài có thu nhập từ lãi tiền cho vay tại Việt Nam là khá cao trong bối cảnh thị trường vốn, TTCK Việt Nam chưa thực sự phát triển và đang gặp khó khăn. Bởi vậy, nên xem xét giảm mức thuế này xuống 5% để tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam thu hút được nguồn vốn nước ngoài vào sản xuất – kinh doanh.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, về dài hạn, Bộ Tài chính cần nghiên cứu và ban hành các quy định về nghĩa vụ thuế đối với chuyển nhượng các loại chứng khoán phái sinh theo hướng ban đầu nên ưu đãi thuế suất nhằm hỗ trợ các dịch vụ phái sinh phát triển. Cũng cần ưu đãi thuế đối với NĐT tham gia các quỹ đại chúng, miễn thuế đối với NĐT tham gia quỹ liên kết hưu trí, quỹ hưu trí tự nguyện, để khuyến khích hình thức đầu tư có tổ chức.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, trước mắt, một số vướng mắc về thuế GTGT và thuế thu nhập DN đối với lĩnh vực chứng khoán sẽ được tháo gỡ khi 2 dự thảo Nghị định sửa đổi quy định về các loại thuế này sắp được Bộ Tài chính hoàn chỉnh để trình Chính phủ ban hành. Ý kiến đóng góp của các thành viên thị trường về những bất cập của thuế TNCN cũng sẽ được Bộ Tài chính tiếp thu trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNCN để trình Quốc hội xem xét trong năm 2012.
“Sẽ chỉ khấu trừ thuế một lần đối với giao dịch repo trái phiếu” Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính Theo thông lệ quốc tế, khi repo trái phiếu thì trái phiếu đó không chuyển quyền sở hữu sang chủ mới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, do hạ tầng của Sở GDCK chưa đáp ứng được hoạt động repo chuẩn, nên đây là hoạt động mua đứt, bán đoạn. Do vậy, việc áp dụng quy định thuế nhà thầu hiện hành đối với nhà thầu nước ngoài (khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ%/doanh thu chịu thuế mỗi khi chuyển nhượng), thì sẽ bị đánh thuế hai lần đối với cả người bán và người mua. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 124/2008/NĐ-CP, trong đó, đề xuất chỉ khấu trừ thuế tại nguồn một lần đối với giao dịch repo trái phiếu. “Thuế chưa bình đẳng giữa NĐT nước ngoài và NĐT trong nước” Ông Nguyễn Minh Đăng Khánh, Phó tổng giám đốc CTCP Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam Theo quy định hiện hành, khi chuyển nhượng cổ phần, chứng chỉ quỹ, trái phiếu, thì tổ chức trong nước tạm thời chưa phải nộp thuế thu nhập DN tại thời điểm chuyển nhượng, đồng thời, thực hiện quyết toán và nộp thuế theo năm tài chính với thuế suất là 25%. Tổ chức trong nước được cộng gộp khoản lãi với khoản lỗ và chỉ nộp thuế trên phần chênh lệch lãi là số dương. Thế nhưng, các tổ chức nước ngoài phải nộp thuế 0,1% trên doanh thu đối với khoản chuyển nhượng chứng khoán (kể cả chuyển nhượng lỗ). Đối với khoản vốn chuyển nhượng, họ phải nộp thuế 25% trên thu nhập tính thuế theo từng lần chuyển nhượng. Theo đó, tổ chức nước ngoài luôn phải nộp thuế cho trường hợp chuyển nhượng chứng khoán dù bị lỗ và không được cộng gộp khoản lãi với khoản lỗ cho các trường hợp chuyển nhượng vốn trong cùng năm tài chính. |