Chỉ số VN Index đã có 2 lần giảm sâu, đó là phiên 29-5, sau khi giảm xuống 916 điểm, VN Index bắt đầu phục hồi và đến 11-6 tăng lên 1.045 điểm; phiên 4-7 đã có lúc chỉ số này rớt xuống ngưỡng 890 điểm trước khi lấy lại mốc 900 điểm. Liệu đây là dấu hiệu cho thấy TTCK đang lấy đà cho chu kỳ mới hay bộc lộ dấu hiệu bất ổn.
Tâm lý tiêu cực bao trùm
Một cán bộ kỳ cựu của Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) đã viết trên trang cá nhân của mình: “Sau năm 2017 bùng nổ, TTCK Việt Nam được nhắc tới như cái tên cả thế giới muốn sở hữu năm 2018. Hãy nhìn vào nền kinh tế Việt Nam qua những con số này: Tăng trưởng GDP 6 tháng 7,08% – cao nhất 7 năm qua.
Tăng trưởng xuất khẩu 16%; xuất siêu 2,6 tỷ USD. Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch nâng mức định mức tín nhiệm Việt Nam lên “BB”. Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 6 tháng 20 tỷ USD. Chỉ số PMI tháng 6-2018 là 55,7 điểm, cao nhất 8 năm qua. Nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) mua ròng 35.000 tỷ đồng trên HOSE. Những đợt phát hành cổ phiếu (CP) ra công chúng lần đầu (IPO) thành công kỷ lục về con số với các NĐT tên tuổi. Báo cáo tài chính (BCTC) quý II-2018 của các doanh nghiệp niêm yết nhiều hứa hẹn”. Và ông này kết: “Ai quan tâm?”
Trong bối cảnh TTCK diễn biến không thuận lợi, những bình luận, chia sẻ sau đó của dân chứng khoán đều mang màu sắc tiêu cực. Ngày 19-6, trên trang cá nhân của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc một công ty chứng khoán (CTCK) lớn viết: “Chẳng có lý do gì mà hoảng loạn cả. Sẽ có nhiều người hôm nay tham đúng lúc”.
Ngay tức thì phiên 19-6 giảm mạnh khi VN Index mất hơn 25 điểm, tương ứng 2,55%, xuống còn hơn 962 điểm. Không lâu sau đó, nhận định của vị CEO chứng khoán này tiếp tục bị dân chứng khoán đem ra mỉa mai, nhiếc móc.
Trên các diễn đàn chứng khoán, những lời than vãn vì thua lỗ, dự báo thị trường giảm, khuyến nghị không tham gia thị trường liên tục xuất hiện, áp đảo những nhận định lạc quan. Thậm chí khi đội tuyển bóng đá Nga biệt danh “gấu Nga” thắng Tây Ban Nha biệt danh “bò tót” đêm 1-7, một số NĐT còn liên tưởng đến việc gấu (thị trường giảm) sẽ chiếm ưu thế.Ngoài ra, biến động giảm liên tục từ các TTCK trong khu vực châu Á, nỗi lo chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc và châu Âu, luôn hiện diện trong các phiên giao dịch.
Các yếu tố này đều chỉ ra kết quả chung: tâm lý bi quan đang thắng thế trên thị trường và lực bán sẽ áp đảo lực mua vào. Thống kê trong 15 phiên giao dịch đầu tiên của tháng 6, số phiên khối ngoại bán ròng tại HOSE áp đảo với 9 phiên, chỉ có 6 phiên mua ròng.
Phiên 3-7, một trong những phiên giảm mạnh nhất trong lịch sử của TTCK Việt Nam khi VN Index mất hơn 41 điểm, tương ứng 4,3%, khối ngoại cũng bán ròng gần 200 tỷ đồng tại HOSE. NĐTNN bán ròng cộng với việc tỷ giá có dấu hiệu nóng lên trong khoảng 10 ngày qua, đã tạo ra suy đoán về việc các quỹ ngoại đang tham gia TTCK Việt Nam rút vốn.
Áp lực bán tháo
Giai đoạn đầu tháng 6, VN Index mất 9 phiên nằm dưới ngưỡng 1.000 điểm rồi sau đó quay trở lại trên ngưỡng này, tính đến phiên 4-7 VN Index đã có 13 phiên nằm dưới ngưỡng 1.000 điểm. Để quay lại ngưỡng tâm lý quan trọng 1.000 điểm phải cần đến nhiều phiên hơn. Tình hình này cho thấy các yếu tố vĩ mô, nền tảng của doanh nghiệp niêm yết vẫn đang tích cực, nhưng diễn biến của thị trường lại nhiều thách thức.
Ngưỡng dưới 1.000 điểm, thậm chí xoay quanh ngưỡng 900 điểm tồn tại càng lâu, đồng nghĩa với việc định giá của thị trường trở nên rẻ hơn, và lâu dần NĐT sẽ chấp nhận định giá của CP tại ngưỡng này, tức sẽ làm giảm luôn cơ hội bật tăng trở lại. Một thống kê rất đáng chú ý, sau nửa đầu năm VN Index đã có khoảng 20 phiên giảm trên 2%, tức tương đương số lượng phiên giảm của cả năm 2010, chỉ kém năm 2009 (45 phiên).
Xét về điểm số, 2% của VN Index tại vùng 400 điểm chỉ 8 điểm, trong khi 2% của vùng 1.000 điểm tương ứng 20 điểm. Về mặt tâm lý, cứ mỗi khi VN Index mất từ 10 điểm trở lên, sự tiêu cực rất dễ xuất hiện với NĐT. Và khi VN Index càng cao, dù tỷ lệ % về điểm số thấp, chỉ cần 1%, tương ứng với 10 điểm, cũng có thể khiến NĐT thay đổi suy nghĩ và diễn biến ngắn hạn cũng thay đổi theo. Không chỉ có điểm số, giá một loạt CP ở mức cao cũng có thể tác động rất lớn đến tâm lý của NĐT.
Từ quý IV-2017 đến hết quý I-2018, giá của nhiều CP đã tăng mạnh để đưa nhiều CP từ ngưỡng 2x (tức 20.000 đồng/CP) lên các ngưỡng 4x, 5x, rồi nhiều CP cũng tăng lên 3 chữ số (tức từ 100.000 đồng/CP). Giá cao, vùng biến động giá lớn rất dễ gây nên hiện tượng hoảng loạn về mặt tâm lý khi giảm mạnh. Bởi cùng một tỷ lệ giảm từ 1.0 xuống còn 0.93 và 10.0 xuống 9.3, CP cao giá hơn trong các phiên giảm mạnh dễ bị bán tháo bán mạnh. Không chỉ về mặt giá, nhóm CP “3 chữ số” còn có sự tham gia của nhiều nhóm NĐT, cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước nên lực bán đổ càng lớn, giá giảm càng sâu.
Hiện tại giá của các CP trong rổ VN30 đã xuống thấp hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2018, nhiều CP blue chips giảm về mức đáy trong vòng hơn 1 năm qua. Tình hình sản xuất kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp vẫn ổn định. Tính đến ngày 8-5 đã có 667 doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý I-2018, trong đó hơn 86% doanh nghiệp kinh doanh có lãi.
Dòng vốn của NĐTNN có rút trong những ngày gần đây, nhưng nếu nhìn từ đầu năm nhiều quỹ đầu tư nước ngoài vẫn đổ tiền vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội. Trong tháng 5, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) đạt 700 triệu USD, và trong tình hình phức tạp của tháng 6 vẫn có lượng vào ròng 34 triệu USD. Nếu tính từ đầu năm, dòng vốn vào ròng vẫn đạt 2,28 tỷ USD, là số rất đáng kể so với mức 2,92 tỷ USD của cả năm 2017.
Chiều 3-7, NHNN đã chính thức có những giải pháp hạ nhiệt tỷ giá với việc giảm giá bán USD ra thị trường 244 đồng, tương đương 1% về 23.050 đồng. Buổi tối cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Trần Văn Dũng đã lên tiếng về phản ứng thái quá của NĐT.
Những động thái từ các cơ quan quản lý có liên quan đến TTCK luôn xuất hiện kịp thời trong nhiều năm qua là một động thái cần thiết. Thống kê trong 10 phiên giao dịch gần nhất tính đến 3-7 tại HOSE, số lượng phiên mua ròng của NĐTNN đã áp đảo trở lại với 7 phiên và chỉ có 3 phiên bán ròng.
Tỉnh táo đánh giá thị trường
Mặc dù chưa thể khẳng định đà bán ròng đã chấm dứt, nhưng khi giá CP giảm đủ về một mức độ hấp dẫn, việc mua vào của khối ngoại là tất yếu, bất chấp lo ngại kiểu như “rút vốn” hay “tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi. Thống kê cụ thể hơn, trong lần chạm mốc 900 điểm hồi cuối tháng 5, khi đó VCB, một trong những CP vẫn được khối ngoại mua vào nhiều hơn bán ra trong thời gian qua, có mức giá đáy khoảng 47.000 đồng/CP.
Trong khi phiên 3-7 đỏ lửa vừa qua, VCB dù giảm từ 58.000 đồng/CP xuống 56.000 đồng/CP, nhưng vẫn được NĐTNN mua ròng. Rõ ràng mức giá của CP này vẫn cao hơn gần 10 giá (tức 10.000 đồng/CP) so với lần tạo đáy trước. Điều này chỉ ra rằng dù thị trường vẫn đang diễn biến không thuận lợi, nhưng giá trị của những CP có chất lượng thực sự vẫn có xu hướng được đảm bảo, thậm chí được nâng dần.
Tuy nhiên, không phải CP nào cũng như VCB, bởi khi tâm lý bi quan bao trùm thị trường, sự khắt khe trong việc đánh giá CP cũng tăng lên. Thí dụ, trong lần VN Index chạm 900 điểm cuối tháng 5, khi đó giá của HCM rơi vào tầm 6.0, nhưng đến lần chạm 900 điểm mới nhất, CP này rớt xuống dưới 5.0. Không quá khó để lý giải cho HCM, CP của một trong những CTCK lớn nhất thị trường giảm sâu như vậy.
Thị trường diễn biến không thuận lợi, thanh khoản về mức thấp, kéo theo cả nguồn thu từ phí cũng như lãi cho vay margin sụt giảm, dẫn đến những đánh giá kỳ vọng cũng có thể sụt giảm. Nhưng ẩn số đối với HCM ở đây chính là việc đã tiến hành tự doanh khá thành công trong năm 2017, và kỳ vọng năm 2018 CTCK này cũng có thể lặp lại khi tự doanh lúc này không chỉ là mua bán CP mà còn có cả phái sinh.
TTCK luôn được củng cố bằng kỳ vọng, trong bối cảnh thị trường sụt giảm, để xốc lại tâm lý và đảm bảo xu hướng, cần tiếp tục có những kỳ vọng mạnh hơn. Cụ thể ở đây là mùa BCTC quý II-2018 nhiều khả năng sẽ mang tính chất củng cố tâm lý trước khi kỳ vọng bứt phá cho nửa cuối năm.