Trao đổi với VnEconomy, chuyên gia kinh tế, TS. Trần Du Lịch cho rằng, nếu xét trên phương diện thị trường, Việt Nam tốt hơn nhiều khi tham gia CPTPP chứ không phải TPP.
“Việt Nam được lợi nhiều nhất”
Theo ông, khi Việt Nam gia nhập CPTPP mà không có Mỹ thì lợi ích của Việt Nam sẽ giảm đi như thế nào?
Nếu so với mục tiêu ban đầu thì quy mô CPTPP kém hơn nhiều so với TPP, bởi đã mất đi nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ.
Tuy nhiên, tôi cho rằng 11 nước còn lại đã nỗ lực đàm phán để đi đến ký kết, và đây là một thành công, là tín hiệu đáng mừng, xuất phát từ hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Việt Nam vào cuối năm ngoái, là sự nỗ lực giữa các bên.
Mặt khác, so với TPP thì CPTPP đã bị cắt giảm 20 nội dung. Những nội dung bị cắt giảm phần nhiều liên quan đến sở hữu trí tuệ, bảo hộ và xây dựng sản phẩm… và những vấn đề này đều ít nhiều không liên quan đến Việt Nam.
Có thể nói, khi những nội dung này bị cắt giảm thì Việt Nam không bị thiệt gì cả, ngược lại còn dễ dàng hơn cho Việt Nam so với các nước khác. Chính vì vậy, nhiều quan điểm cho rằng, trong 11 nước tham gia CPTPP thì Việt Nam được lợi nhiều nhất.
Phải khẳng định CPTPP là một thị trường rất tiềm năng. Dù có Mỹ hay không có Mỹ tham gia thì quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Mỹ vẫn được đẩy mạnh, Mỹ vẫn là thị trường lớn của Việt Nam.
Tôi cho rằng xét về phương diện thị trường, nếu so sánh giữa TPP và CPTPP thì Việt Nam sẽ tốt hơn nhiều khi tham gia CPTPP chứ không hẳn là TPP.
Dĩ nhiên trước đây chúng ta kỳ vọng nhiều vào TPP, nhưng sau khi Mỹ rút đi thì chúng ta đã thất vọng. Nhiều người có thể bị “xìu đi”, nhưng ngược lại sẽ tạo tâm lý làm ăn kinh doanh tốt hơn.
Tôi cho rằng đây là điều đáng hoan nghênh và là tín hiệu đáng mừng trong năm 2018 của nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài những lợi ích khi tham gia CPTPP, theo ông, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức gì?
Khi ký kết CPTPP sẽ tạo thêm động lực cải cách thể chế trong nước, sức ép về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp…
Tuy nhiên, những sức ép này không hẳn là do một mình CPTPP đem lại, mà chúng ta đã gặp phải từ nhiều hiệp định thương mại khác, nếu vượt qua được thì CPTPP sẽ không có vấn đề gì.
Đầu tiên là Hiệp định Thương mại tự do ASEAN chúng ta đang thực thi, thuế suất bằng 0. Thứ hai là ASEAN 1 ký kết với Trung Quốc, rồi hơn 10 hiệp định FTA ký với Hàn Quốc, Nhật Bản… Chúng ta cũng đang nỗ lực ký thêm FTA với EU.
Xét về hàng rào thuế, năng lực cạnh tranh thì những hiệp định tự do song phương này đang đặt ra thử thách rất lớn đối với Việt Nam, chứ không phải riêng CPTPP.
Song những áp lực này không đáng lo, thậm chí càng áp lực thì doanh nghiệp Việt Nam càng nâng được sức cạnh tranh, còn nếu chúng ta càng bảo hộ thì sẽ càng thất bại.
“Không bài bản là không tồn tại được”
Việt Nam đã chính thức ký kết gia nhập CPTPP, vậy ông có những lưu ý gì đối với doanh nghiệp Việt?
Tôi có ba lưu ý đối với doanh nghiệp Việt Nam, không chỉ khi gia nhập CPTPP mà trong thời cuộc hội nhập nói chung.
Thứ nhất, các doanh nghiệp Việt phải liên kết với nhau, không liên kết với nhau thì không tồn tại được. Liên kết để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, doanh nghiệp Việt Nam phải làm ăn bài bản hơn, không bài bản là không tồn tại được. Tôi nói bài bản là bao gồm không được làm những việc trái đạo đức, trái pháp luật…
Thứ ba, là phải biết lựa chọn, không làm bừa bãi được. Phải biết lựa chọn sản phẩm, lựa chọn thị trường. Nói nôm na là có tập trung, chứ không phải là gặp đâu làm đó.
Còn với Chính phủ, ông có những khuyến nghị gì, thưa ông?
Chính phủ hiện nay đang nỗ lực rất nhiều, dù có ký kết CPTPP hay không thì trong bối cảnh hội nhập, Chính phủ đã phải thực hiện rất nhiều chương trình, mà điều này được thể hiện trong Nghị quyết 01.
Tuy nhiên, tôi cho rằng quan trọng nhất hiện nay vẫn là vấn đề khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, doanh nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là yếu tố rất quan trọng, làm sao để luật, để các chính sách đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, hiện nay chúng ta có một cơ quan chỉ đạo vấn đề hợp tác quốc tế, cạnh tranh, vậy nên cần triển khai thành hành động cụ thể hơn nữa, sâu rộng hơn nữa.
Và cuối cùng, Chính phủ phải tập trung cải cách thể chế. Vệc này Chính phủ cũng đang làm, còn hiệu quả đến đâu thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.