Cú sốc toàn cầu khi Mỹ đánh thuế 200 tỷ USD
“Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung không chỉ là cuộc “cãi cọ” để giảm thâm hụt thương mại mà là cuộc chiến liên quan đến cạnh tranh về công nghệ và năng lực quốc gia trong 10 năm tới”, TS Phạm Sỹ Thành đưa ra nhận định tại Tọa đàm khoa học “Dự báo kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm và ảnh hưởng của căng thẳng thương mại Mỹ – Trung” ngày 8/8.
Vị tiến sỹ cho rằng việc đánh thuế 25% của Mỹ sẽ không dừng lại ở lượng hàng hóa trị giá 34 tỷ USD vừa qua và tăng thêm 16 tỷ USD vào 23/8 tới. Đây mới chỉ như một thí nghiệm, lời cảnh báo đối với Bắc Kinh.
Chính quyền Trump cần một áp lực mạnh hơn để đưa Bắc Kinh vào bàn đàm phán. Theo ông Thành, rất có thể Mỹ sẽ mở rộng đánh thuế 25% đối với cả 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. “Đây sẽ là cú sốc rất mạnh với cả Mỹ, Trung Quốc và toàn cầu”, vị chuyên gia bình luận.
Chỉ với kịch bản Mỹ áp dụng 25% thuế trên 34 tỷ USD hàng hóa, tính toán của trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia chỉ ra GDP Việt Nam có thể giảm 0,03 điểm phần trăm năm 2018 và giảm 0,09 điểm phần trăm năm 2019. Tới năm 2032, Việt Nam mới hoàn toàn khắc phục được tác động của cuộc chiến này đối với tăng trưởng kinh tế.
Khoảng năm 2020-2022, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động tiêu cực nhất từ cuộc chiến thương mại với khả năng giảm khoảng 0,12 điểm phần trăm tăng trưởng GDP mỗi năm.
Chuyên gia kinh tế lưu ý tới khả năng tiếp tục đánh thuế của chính quyền Trump.
Đánh thuế để buộc Trung Quốc đến bàn đàm phán
Dẫn chứng về quan điểm cuộc chiến thương mại hiện nay thực chất là cuộc chạy đua giữa các quốc gia, ông Thành chỉ ra chính sách của chính quyền Trump rất nhất quán và gia tăng nhiều biện pháp đối với Trung Quốc.
Danh sách các mặt hàng Mỹ đưa ra những trừng phạt rất mạch lạc dựa trên hệ thống các ngành, danh mục bị cấm cũng rất rõ ràng. Ủy ban Quản lý đầu tư nước ngoài của Mỹ cũng mạnh tay hơn khi can thiệp vào đầu tư. Năm qua, 25% các vụ bị từ chối trong danh sách của Ủy ban này là dự án đầu tư từ Trung Quốc. Chính quyền Trump muốn chặn sự đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược công nghệ cao của Trung Quốc vào đất Mỹ.
“Cuộc chiến chỉ dừng lại khi Trung Quốc và Mỹ ngồi lại để đàm phán về các vấn đề sở hữu trí tuệ, tính bảo hộ, môi trường đầu tư”, TS Phạm Sỹ Thành nhận định.
Có chung quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng diễn biến của cuộc chiến sẽ theo hướng “đánh để mà đàm”. Chiến lược của Mỹ là gây áp lực với Trung Quốc bằng biện pháp thuế để cùng ngồi vào bàn đám phán. Chưa được, chính quyền Trump sẽ tiếp tục gia tăng hành động cho tới khi đạt kết quả. “Nếu trên bàn đám phán đó Trung Quốc có nhún nhường, chiến tranh thương mại sẽ giảm bớt cường độ”, ông Nghĩa cho hay.
Tuy vậy, ông Nghĩa cũng chỉ ra, tháng 11 này, Mỹ bầu cử Quốc hội giữa kỳ, với dự báo lưỡng viện mới sẽ không hoàn toàn ủng hộ chính sách chống toàn cầu hóa của Trump và yêu cầu cần thay đổi. Khi đó, cường độ của cuộc chiến thương mại có khả năng dịu bớt.