Đây là ý kiến của TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) tại buổi tọa đàm công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2018 được VEPR tổ chức ngày 10/4.
TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, theo số liệu công bố của TCTK, kinh tế Việt Nam quý 1/2018 tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây, đạt mức 7,38%. Dường như đà tăng trưởng tích cực từ hai quý nửa sau năm 2017 góp phần cho mức tăng ấn tượng này.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,7% trong quý 1, mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Các ngành có đóng góp cao nhất cho mức tăng trưởng chung là: bán buôn và bán lẻ với mức tăng 7,45%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,60%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,72% và hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,56%.
Quý 1 cũng đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của khu vực nông, lâm, ngư nghiệp với mức tăng 4,05% sau nhiều năm chỉ tăng trưởng dưới 3%, thậm chí tăng trưởng âm như năm 2016 (-1,23%).
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng vượt bậc 9,7%, cao hơn khá nhiều so với cùng kỳ các năm trước (2016: 6,72%; 2017: 4,17%).
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của khu vực này với mức tăng rất cao 13,56%. Riêng Samsung Việt Nam tiếp tục đóng góp nhiều nhất cho sự tăng trưởng của ngành chế biến chế tạo.
Cụ thể, giá trị hàng xuất khẩu (điện thoại và linh kiện) của Samsung Việt Nam đạt 12,3 tỷ USD, tăng tới 58,8% so với cùng kỳ năm 2017 (trong khi quý 1/2017 tăng trưởng thấp hơn nhiều do khi đó sản lượng của Samsung còn thấp). Điều này giải thích một phần nguyên nhân GDP Việt Nam quý 1 tăng trưởng mạnh. Đồng thời, ngành khai khoáng đã tăng trưởng dương trở lại với mức 0,40% sau hai năm liên tục suy giảm.
“Việc khu vực công nghiệp chế biến chế tạo, đặc biệt là các sản phẩm điện thoại và linh kiện, đóng góp vào mức tăng trưởng kinh tế rất cao của quý 1 năm nay sẽ đặt ra những thách thức cho việc duy trì đà tăng trưởng trong các quý sau cũng như cho cả năm 2018 và xa hơn nữa, khi chỉ tiêu tăng trưởng của nền kinh tế ngày càng lệ thuộc vào khu vực này”, TS. Nguyễn Đức Thành lưu ý.
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, với mức tăng trưởng cao đột biến 7,38% của quý 1, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,5-6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi, với các điều kiện thuận lợi hiện nay tiếp tục được duy trì.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ đang diễn ra, tương lai của nền kinh tế Việt Nam còn rất bất định trước các cú sốc từ thị trường thế giới. Bên cạnh đó, để đạt được mức lạm phát bình quân năm 4%, đại diện VEPR cho rằng cần nỗ lực của các cấp và đặc biệt là chính sách tiền tệ chặt chẽ của NHNN.
“Trong bối cảnh đó, chúng tôi đưa ra dự báo tăng trưởng và lạm phát năm 2018 như sau: quý 1 tăng trưởng 7,38%, quý 2 tăng trưởng 6,51%, quý 3 tăng trưởng 6,75% và quý 4 là 6,75%. Tăng trưởng GDP cả năm theo dự đoán của chúng tôi là 6,83%. Tương ứng với các mức tăng trưởng này, lạm phát của các quý tương ứng là quý 1 đạt 2,66%, quý 2 là 3,44%, quý 3 là 3,84% và quý 4 là 4,21%”, TS. Nguyễn Đức Thành cho biết.