Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chính thức nổ ra và có thể còn mở rộng ra giữa Mỹ và EU. Theo TS Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế – xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), cuộc chiến sẽ tác động sâu và tiêu cực đến kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo tính toán của ông Khôi, tăng trưởng GDP của Việt Nam giảm 0,08 điểm phần trăm trong năm 2018 và giảm 0,14 điểm 2019 do tác động của cuộc chiến thương mại này. Kim ngạch xuất nhập khẩu đều bị suy giảm.
Ông Khôi nhấn mạnh căng thẳng thương mại sẽ làm cho giá Việt Nam đồng (VND) tăng lên. Tính toán được đưa ra khi so sánh VND trong tương quan tỷ giá hối đoái đa phương với một rổ trên 50 đồng tiền khác có quan hệ. Theo đó, VND sẽ tăng khoảng 9 đồng trong quý II, tăng 5 đồng trong quý III và tăng 1 đồng tăng trong quý IV/2018.
Bên cạnh đó, đồng Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi sự kiện mới đây FED tăng lãi suất 0,25% và dự kiến còn hai lần tăng nữa trong năm nay.
Việc tăng lãi suất này cũng làm đồng Việt Nam tăng giá xấp xỉ như ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại. Cụ thể, VND sẽ tăng khoảng 8 đồng trong quý II, tăng 5 đồng trong quý III và tăng 2 đồng trong quý IV/2018.
Việc FED tăng lãi suất cũng ảnh hưởng trực tiếp lên tăng trưởng kinh tế của cả Mỹ và Trung Quốc. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng tăng giá và điều này ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế thế giới.
Tuy nhiên những tăng trưởng kinh tế của các đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam như EU, Nhật Bản lại được cải thiện vì đồng tiền của họ giảm giá. Các nước này sẽ có lợi thế thương mại.
Như vậy, Việt Nam đối mặt với nguy cơ hàng hóa xuất khẩu giảm tính cạnh tranh và dòng USD có thể “tháo chạy” khỏi Việt Nam.
Để giảm thiểu các nguy cơ này, vị chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần có can thiệp tỷ giá.
Mới đây, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá 1 điểm % với VNĐ. “Chính sách này giúp tăng trưởng kinh tế Việt Nam cải thiện đôi chút nhưng chỉ bù đắp lại những tác động tiêu cực của cuộc chiến thương mại”, ông Khôi cho biết.
Ông Khôi nhấn mạnh, việc điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp cải thiện phần nào tình hình kinh tế và ngăn chặn nguy cơ dòng USD tháo chạy khỏi Việt Nam.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng lưu ý thời gian tới phải xem xét khả năng cuộc chiến tranh thương mại có tiếp tục mạnh lên hay không. Nếu mạnh hơn, ông Khôi cho rằng khả năng FED điều chỉnh tăng lãi suất vào hai kỳ cuối năm sẽ khó thực hiện.
Ông lý giải, ngay cả khi các nền kinh tế này không có động thái gì, đồng tiền đã giảm so với Mỹ bởi tác động của cuộc chiến thương mại. Các nước đó vẫn luôn có lợi thế về xuất khẩu.