Giá tăng vọt, thay nhau dẫn dắt thị trường
Theo TS. Đinh Thế Hiển, việc chỉ số VN-Index vững vàng trên mốc 1.000 điểm với thanh khoản rất cao sau Tết đã giúp nhà đầu tư đã quen với những phiên điều chỉnh của thị trường. Nhiều nhà đầu tư mạnh tay lướt sóng những cổ phiếu vốn hóa lớn. Dòng cổ phiếu ngân hàng và bất động sản thay nhau dẫn dắt thị trường.
Với cổ phiếu ngân hàng, niềm tin của nhà đầu tư càng được củng cố khi hầu hết các kịch bản “đánh lên” đều thành công trong năm 1017. Đơn cử, trong quý 4.2017, có nhiều lời đồn cho rằng các cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục được đánh lên như BID sẽ lên 40.000 đồng/CP, VCB sẽ vượt 70.000 đồng/CP… và diễn biến thị trường diễn ra đúng như vậy.
Bước sang năm 2018, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng đây là nhóm cổ phiếu “đáng để đầu tư”. Cụ thể, giới chuyên gia cho rằng, cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ có những phiên điều chỉnh giảm, nhưng đó là điều chỉnh tích lũy để tăng trở lại vai trò dẫn dắt.
Nếu tính từ tháng 3/2018, cổ phiếu ngành ngân hàng đã tăng 115% so với đầu năm 2017, trong đó có những cổ phiếu tăng trên 150%.
Nếu xét trong 2 tháng đầu năm 2018, cổ phiếu ngân hàng có mức tăng bình quân 36%, trong đó cổ phiếu VIB, VPB, SHB đã tăng trên 50%. Đây là những mức tăng đáng mơ ước đối với các nhà đầu tư.
Dù vậy, theo tính toán của TS. Đinh Thế Hiển, cổ phiếu ngân hàng vẫn không tăng mạnh bằng cổ phiếu bất động sản với mức tăng bình quân 126% nếu so cùng thời điểm. Trong đó, có những cổ phiếu tăng giá trên 200% như QCG, DIG, DXG, PDR…
Trong 6 tuần đầu năm 2018, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng cao với mức tăng bình quân là 22%, tiếp tục cùng với dòng cổ phiếu ngân hàng dẫn dắt thị trường.
Lý giải cho đà tăng quá mạnh này; các chuyên gia cho rằng bên cạnh BĐS tăng giá thì ngành BĐS còn có động lực từ những tín hiệu lạc quan về sự thay đổi những chính sách của Chính phủ, đặc biệt là Luật sửa đổi nhà ở, kinh doanh bất động sản (BĐS), nới “room” cho người nước ngoài…
Tránh đầu tư cùng lúc cổ phiếu ngân hàng và bất động sản
Hiện nay, đa phần các nhà đầu tư lướt sóng không quá quan tâm đến giá cổ phiếu có cao hay không mà chỉ quan tâm việc cổ phiếu đó có còn lực mua, lực đánh lên hay không để tìm cách kiếm lời từng phiên điều chỉnh bắt đáy. Thậm chí, một số nhà đầu tư còn canh mua – canh bán trong phiên.
Tuy nhiên, với những nhà đầu tư cẩn trọng, hoặc các Quỹ đầu tư thì còn phải tính toán theo các chỉ số đầu tư giá trị, như P/E, tốc độ tăng lợi nhuận…
Theo TS. Đinh Thế Hiển, nếu tính toán dựa trên P/E, rõ ràng các cổ phiếu ngân hàng đang có sự phân hóa lớn. Bên cạnh những cổ phiếu P/E trong mức chấp nhận được (dưới 20), thì một số cổ phiếu có chỉ số P/E rất cao, khiến nhà đầu tư trung hạn rất rủi ro.
Cổ phiếu ngân hàng có P/E bình quân ở mức 18.5 – vẫn là mức khá hấp dẫn nếu tốc độ tăng lợi nhuận diễn ra như kỳ vọng. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu ngân hàng hiện nay cũng có chỉ số P/E quá cao như VCB, STB, ACB, HDB.
“Tóm lại, cổ phiếu ngành Ngân hàng và BĐS đang tăng trưởng tốt, được xem là thừa hưởng của nền kinh tế vĩ mô đang ổn định và phục hồi mạnh của thị trường BĐS. Tuy nhiên, việc 2 dòng cổ phiếu này thay nhau dẫn dắt thị trường và quyết định chỉ số VN- index là điều đáng quan ngại. Nó thể hiện các dòng cổ phiếu này đang được đầu cơ quá lớn, vượt hơn dự đoán về tăng trưởng của nền kinh tế, sẽ gây tích lũy rủi ro lớn”, TS. Đinh Thế Hiển cảnh báo.
Trong quá khứ (giai đoạn 2007 – 2008), thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh cũng xuất phát từ việc cổ phiếu “vua” và “hoàng hậu” được đầu cơ quá cao cùng với thị trường nhà đất.
Do đó, chuyên gia Đinh Thế Hiển khuyến cáo, nhà đầu danh mục như các Quỹ đầu tư mở cần cẩn trọng khi chọn lựa cùng lúc 2 loại cổ phiếu này trong rổ danh mục đầu tư của mình, không nên đầu tư lớn 2 loại cổ phiếu này trong danh mục.