Thông tin được TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế – Xã hội quốc gia đưa ra sáng nay, 8/8.
Trong quý I/2018, kinh tế đã đạt mức tăng trưởng cao ấn tượng của 10 năm trở lại đây, với mức 7,45%. Tuy nhiên, sang đến quý II, tốc độ tăng trưởng có dấu hiệu chậm lại, chỉ đạt 6,79%. Kinh tế cũng đối diện với nhiều thách thức hơn, trong nửa cuối của 2018, ông Đức Anh cho biết.
Những thách thức này đến từ sức ép của đồng USD tăng giá do FED tăng lãi suất cũng như triển vọng kinh tế Mỹ khả quan trong năm nay. Bên cạnh đó, còn là chính sách bảo hộ thương mại cũng như những căng thẳng liên tục leo thang, bất định của thương mại Mỹ – Trung.
Dù vậy, những căng thẳng thương mại Mỹ – Trung chưa tác động mạnh lắm trong 6 tháng cuối năm, ông Đức Anh nói và cho biết diễn biến này tác động hai chiều đến Việt Nam, cả tích cực lẫn tiêu cực, phụ thuộc vào sự phản ứng của doanh nghiệp trong nước linh hoạt đến đâu, nắm bắt thời cơ như thế nào.
Ngoài ra, thị trường trong nước cũng bị tác động bởi biến động giá cả hàng hoá trên thế giới mà trong đó, giá dầu là một ẩn số khá lớn.
“Sức ép ổn định kinh tế vĩ mô năm nay sẽ lớn hơn năm ngoái do các yếu tố bên ngoài không thuận lợi”, TS. Đức Anh nhận định.
Điều này thể hiện khá rõ qua tỷ giá, lạm phát có xu hướng tăng. Hiện Chính phủ cũng đã có những biện pháp kìm chế lạm phát, điều hành tỷ giá song áp lực vẫn lớn. Trong năm 2018, lạm phát bình quân được dự báo quanh mức từ 4- 4,2%.
Trong khi đó, ông Đức Anh nhấn mạnh rằng động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm giảm dần, đặc biệt khi đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài bắt đầu giảm sút từ quý II. “Khu vực chế biến, chế tạo vốn được coi là động lực, nhưng nếu gạt bỏ đi đóng góp của FDI sẽ còn lại gì?”, vị này đặt vấn đề.
Mặt khác, ông cho rằng chính sách cải thiện môi trường kinh doanh, thể chế chưa tác động rõ nét lên tăng trưởng. Thực tế, Việt nam chưa có một đánh giá nào lượng hoá tác động cải thiện của chính sách này.
Nền kinh tế Việt Nam đến nay vẫn dựa chủ yếu vào vốn, trong khi năng suất lao động, sáng tạo, dù có cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế.
“Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu mất đà do thiếu động lực hỗ trợ, không chỉ là vấn đề cho 6 tháng cuối năm mà còn cho cả giai đoạn 2019 – 2020”, TS. Đặng Đức Anh nhận định.