Kể từ khi xung đột thương mại Mỹ-Trung leo thang mạnh, tỷ giá Nhân dân tệ đã giảm rõ rệt, nhưng một số phân tích cho rằng khả năng Bắc Kinh phá giá đồng tiền để đấu với Washington là rất thấp. Ở thời điểm hiện tại, sự giảm giá của Nhân dân tệ và căng thẳng thương mại gia tăng có thể chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Trung Quốc từ lâu đã bị Mỹ cáo buộc cố tình giữ tỷ giá đồng nội tệ ở mức thấp để giành ưu thế cho hàng xuất khẩu của mình. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã không “dán nhãn” Trung Quốc là một quốc gia thao túng tỷ giá, và trong phần lớn thời gian của năm 2018, tỷ giá Nhân dân tệ nhìn chung ổn định.
Một số chuyên gia cho rằng có thể Trung Quốc không cố tình giảm giá đồng nội tệ, nhưng có khả năng nước này trước đây đã hạn chế đà giảm của Nhân dân tệ, và giờ thì đang nới lỏng hạn chế này.
“Có vẻ như trước đây Trung Quốc đã hạn chế đà tăng của đồng USD so với Nhân dân tệ… Họ đã không để Nhân dân tệ giảm giá nhiều như lẽ ra phải có. Tôi cho rằng bây giờ họ đang nói: ‘Mỹ không chơi đẹp, vậy thì chúng tôi sẽ để cho tỷ giá Nhân dân tệ giảm về mức đúng của nó’”, chiến lược gia trưởng Robert Sinche của Amherst Pierpont nhận định.
Dù một số chuyên gia phủ nhận khả năng Trung Quốc phá giá đồng tiền, vẫn có những đồn đoán rằng Trung Quốc có thể “buông” cho Nhân dân tệ giảm giá mạnh hơn.
Ngoài ra, cũng có những ý kiến nhấn mạnh việc đồng USD gần đây đã giảm giá trở lại so với một số đồng tiền chủ chốt khác, nhưng đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi vẫn chịu sức ép giảm mạnh so với USD bởi ông Trump tiếp tục đưa ra những lời đe dọa về thuế quan và thương mại.
“Tôi ngạc nhiên vì đến lúc này vấn đề Nhân dân tệ giảm giá so với USD vẫn chưa được ông Trump nhắc đến trên Twitter”, ông Boris Schlossberg, Giám đốc BK Asset Management, phát biểu.
Vị chuyên gia cho rằng tỷ giá USD/Nhân dân tệ đối mặt với ngưỡng cản kỹ thuật ở mức 6,6 Nhân dân tệ/USD. Ngày 25/6, tỷ giá này ở mức 6,54 Nhân dân tệ/USD.
Ngoài việc sử dụng công cụ tỷ giá, Trung Quốc còn một vài lựa chọn khác để đấu với Mỹ về thương mại, bao gồm kế hoạch đánh thuế hàng Mỹ đã được công bố. Trung Quốc cũng có thể tẩy chay một số mặt hàng của Mỹ, gây khó dễ cho các công ty Mỹ làm ăn ở Trung Quốc, hoặc giảm mua trái phiếu kho bạc Mỹ.
Chiến lược gia tiền tệ Win Thin của Brown Brothers Harriman nghi ngờ về khả năng Trung Quốc sẽ bán trái phiếu kho bạc Mỹ để trả đũa Mỹ. “Đó sẽ là một con dao hai lưỡi, bởi Trung Quốc chính là nước nắm nhiều trái phiếu kho bạc Mỹ nhất. Bán trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ là một lựa chọn nguy hiểm và không mang lại lợi ích cho ai cả”, ông Thin nói.
Ông Schlossberg thì nói rằng xung đột thương mại Mỹ-Trung đang gây bất lợi cho tỷ giá đồng USD. “Cách đây 2 tuần, thị trường còn cảm thấy rất lạc quan về nền kinh tế và khả năng Cục Dự trữ Liên bang (FED) nâng lãi suất… Giờ đây, vấn đề thương mại đặt ra những hoài nghi về tăng trưởng và liệu FED có thể giữ nguyên chủ trương cứng rắn được hay không”.
“Tôi cho rằng thị trường đang lo ngại. Những lời đe dọa ngày càng tăng. Ông Trump được biết đến là một người hay thay đổi và không ngại các giới hạn. Vấn đề lớn nằm ở chỗ phần còn lại của thế giới không còn tin tưởng nhiều vào những gì mà chính quyền của ông ấy nói”, ông Schlossberg phát biểu.