Thị trường chứng khoán (TTCK) cơ sở đang trải qua giai đoạn sụt giảm điểm số nhanh, thanh khoản thấp, tâm lý nhà đầu tư lo lắng khi hầu hết các mã cổ phiếu đều giảm điểm.
Nhiều chuyên gia cho rằng ngay cả khi thị trường cơ sở đi xuống, nhà đầu tư vẫn có thể kiếm lời từ TTCK phái sinh.
Đổ dồn sang phái sinh
Đi vào hoạt động từ ngày 10/8/2017, sản phẩm còn ít, nhưng với những ưu điểm như việc không phải chờ bán, tỷ lệ ký quỹ thấp…, thị trường phái sinh đang hấp dẫn các nhà đầu tư. Để có lợi nhuận trên thị trường này, nhà đầu tư chỉ cần dự đoán đúng xu hướng của chỉ số VN30.
Tại TTCK phái sinh, nhà đầu tư có thể mua để đầu cơ giá lên hoặc bán khống (short sale) để đầu cơ giá xuống khi thị trường giảm. Nhà đầu tư có thể lãi đến 38% chỉ trong một ngày, trong khi mức lãi tối đa trong giao dịch cổ phiếu chỉ là 7%/ ngày và nếu sử dụng vay ký quỹ tối đa thì mức lãi chỉ lên 14%.
Bên cạnh đó, TTCK phái sinh còn thu hút nhờ chính sách của các công ty chứng khoán với các ưu đãi phí giao dịch dao động 4.000-30.000 đồng/vị thế khác nhau dựa theo kỳ hạn hợp đồng và thời gian đóng trạng thái qua đêm, hoặc ngay trong ngày.
Theo một thống kê mới đây của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), kể từ khi khai trương đến nay, TTCK phái sinh tăng trưởng tốt và ổn định. Hoạt động giao dịch tăng trưởng mạnh ở tất cả các chỉ tiêu, khối lượng giao dịch tháng sau cao hơn tháng trước.
Trong tháng 6, thị trường phái sinh lập đỉnh 2 lần với gần 2 triệu hợp đồng được giao dịch, tăng 20,9% so với tháng 5, bằng 3,5 lần số hợp đồng giao dịch phái sinh trong tháng 4. Tổng số lượng hợp đồng tương lai giao dịch trong quý II là 4,2 triệu, tăng 230% so với quý I.
Cũng theo HNX, kết thúc 6 tháng đầu năm, khối lượng giao dịch bình quân đạt 45.767 hợp đồng/phiên và giá trị giao dịch theo danh nghĩa hợp đồng bình quân đạt 4.660 tỷ đồng/phiên. Tính đến thời điểm cuối tháng 6, khối lượng hợp đồng mở (OI) đạt 11.812 hợp đồng, tăng 46% so với cuối năm 2017.
Tính đến ngày 30/6, tổng số tài khoản giao dịch phái sinh đạt 35.275 tài khoản, gấp 2 lần so với cuối năm 2017, chiếm 1,72% tổng số tài khoản giao dịch của cả thị trường.
Hoạt động giao dịch tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước, chiếm 98,34% tổng khối lượng giao dịch. Nhà đầu tư tổ chức trong nước mới chỉ chiếm 1,54%, tập trung chủ yếu vào hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 0,12% giao dịch toàn thị trường.
Tránh bị lũng đoạn bởi đầu cơ
Trong khi trên thị trường cơ sở, nhà đầu tư cứ mua cổ phiếu là lỗ thì thị trường phái sinh lại càng trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng dễ kiếm lời từ các hợp đồng tương lai, không ít nhà đầu tư đã bị “cháy” tài khoản và mất vốn.
Điển hình như phiên giao dịch ngày 3/7, nếu nhà đầu tư nhận định sai xu hướng của chỉ số VN30 thì sẽ lỗ ngay 38%, chưa kể phí giao dịch.
Đối với những phiên giao dịch giằng co, sáng tăng chiều giảm hoặc ngược lại, nhiều nhà đầu tư rất dễ nhận định sai xu hướng của VN30, tài khoản phái sinh sẽ nhanh chóng “bốc hơi”.
Diễn biến TTCK phái sinh của Việt Nam thời gian qua khiến nhiều nhà đầu tư liên tưởng đến câu chuyện về TTCK phái sinh của Trung Quốc năm 2015.
Sản phẩm phái sinh đầu tiên của Trung Quốc được thiết kế dựa trên bộ chỉ số CSI 300 mô phỏng chỉ số chứng khoán của Sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến.
Đây được cho là một bước ngoặt giúp ổn định TTCK Trung Quốc và đưa TTCK nước này từ vị thế mới nổi trở thành một thị trường phát triển, do đó đã thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư. Bằng chứng rõ nét nhất là đã có khoảng 6.000 tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh được mở chỉ sau hai tuần đi vào hoạt động.
Tại thời điểm “thăng hoa” hồi tháng 7/2015, trung bình mỗi ngày có tới 1,7 triệu hợp đồng tương lai được giao dịch.
Mặc dù đã có những quy định chặt chẽ về giao dịch, nhưng với lượng nhà đầu tư chiếm tới 90%, TTCK phái sinh của Trung Quốc đã gần như sụp đổ vào quý IV/2015, với lượng giao dịch giảm 92% so với thời điểm sôi động.
Nhà đầu tư có thể nhận thấy TTCK phái sinh của Việt Nam hiện đang có rất nhiều điểm tương đồng với thị trường Trung Quốc trước đây.
Hơn nữa, theo đánh giá của công ty Chứng khoán Vietcombank (VBSC), hiện tượng đầu cơ đang diễn ra mạnh trên TTCK phái sinh của Việt Nam, dòng tiền sẽ chưa thể quay lại thị trường cơ sở trong ngắn hạn bởi sức hấp dẫn của thị trường phái sinh vẫn tồn tại.
Một chuyên gia chứng khoán cho biết thị trường đầu cơ trên thế giới luôn có một đặc thù là dễ giao dịch, dễ kiếm tiền ở giai đoạn đầu tiên, chứng khoán phái sinh Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Hiện, TTCK phái sinh Việt Nam vẫn chưa có một khung pháp lý ổn định, chặt chẽ, nhằm phát triển thị trường một cách lành mạnh. Nhà đầu tư nên cẩn trọng tránh bị lũng đoạn bởi đầu cơ.
Đây là một lưu ý đơn giản, nhưng liệu sẽ có bao nhiêu nhà đầu tư có thể “nhớ”, hay cố tình “quên” bởi lợi ích trước mắt mà loại sản phẩm mới này mang lại?