Hôm nay, tại ĐHCĐ thường niên FPT Retail, TGĐ Nguyễn Bạch Điệp đã cho thấy quyết tâm của công ty trong việc đầu tư vào chuỗi dược phẩm Long Châu.
“Mảng dược phẩm sẽ chiếm 30-40% doanh thu của FPT Retail trong 4 năm nữa”
Chia sẻ tại sự kiện, bà Điệp cho biết tại thời điểm mua Long Châu năm ngoái, Long Châu mới chỉ có 5 cửa hàng. Sau khi FPT mua lại thì đến cuối năm 2017, con số đã tăng lên 10. Năm nay, công ty dự định sẽ mở thêm 20 nhà thuốc tại TP HCM.
Trong vòng 4 năm nữa, FPT Retail lên kế hoạch mở 400 nhà thuốc Long Châu.
Nói về thị trường dược phẩm, bà Điệp cho biết quy mô ngành khoảng 5 tỷ USD/năm, gần bằng ngành điện thoại và cao hơn điện máy. Trong khi đó, chi phí cho dược phẩm ở Việt Nam còn khá thấp so với nhiều nước. Ở Việt Nam, trung bình người dân chỉ chi khoảng 30 USD/năm cho dược phẩm, so với 46 USD/năm ở Thái Lan, 142 USD ở Singapore. Đặc biệt, ngành dược tăng trưởng 13% năm và không phụ thuộc vào tình hình kinh tế.
Bà Điệp cho biết, doanh thu của Long Châu cao hơn so với các chuỗi khác theo những số liệu mà bà có.
Thị trường dược phẩm, đâu chỉ có hiệu thuốc?
“Thị trường dược phẩm khoảng 5 tỷ USD/năm nhưng qua hiệu thuốc chỉ khoảng 1/3 (khoảng 1,3 tỷ USD/năm) vì còn các kênh phân phối khác. Và con số đó, so với điện thoại thấp hơn rất nhiều. Bà kỳ vọng gì ở mảng dược phẩm?”, một ý kiến được nêu ra trong sự kiện.
Bà Điệp cho rằng thị trường dược phẩm lớn khoảng 5 tỷ USD và đến từ 3 phần. 1/3 đến từ bệnh viện, 1/3 đến từ phòng mạch và 1/3 đến từ nhà thuốc. FPT Retail đã lên kế hoạch tiếp cận cả 2 kênh còn lại.
Còn ở kênh nhà thuốc, FPT Retail kỳ vọng chiếm khoảng 30% thị phần thì doanh thu cũng sẽ không thua kém gì mảng điện thoại. Trong 4 năm tới, dược phẩm sẽ đóng góp khoảng 30-40% doanh thu của cả công ty.
Chiến lược đối với mảng dược phẩm của FPT Retail có phần mạnh tay hơn đối thủ TGDĐ. Theo đó, tại ĐHCĐ TGDĐ diễn ra mới đây, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài đã khẳng định TGDĐ chỉ nắm dưới 49% cổ phần ở Nhà thuốc An Khang và “không phải là người cầm cờ chạy” nữa, mà chỉ hỗ trợ với tư cách là cổ đông lớn.
“Trước đây, chúng tôi có ý định mua 51% nhà thuốc Phúc An Khang để chiếm cổ phần chi phối và biến thành công ty con của chúng tôi. Sau đó, chúng tôi đánh giá rủi ro và xác định đây chưa phải là thời điểm thích hợp. Và chúng tôi quyết định thương lượng để cổ phần 49%. Giờ chúng tôi không cầm cờ mà họ cần hỗ trợ gì thì chúng tôi sẽ hỗ trợ về chiến lược, marketing…. Chúng tôi chỉ đóng góp với tư cách là cổ đông lớn”, ông Nguyễn Đức Tài khẳng định.
Nhiều người Việt tiện mua thuốc ngay ở tiệm gần nhà, sao phải đến các chuỗi lớn?
“Có một thực trạng là hiệu thuốc nằm rải rác ở khắp nơi, nhiều người có thể đến tiệm gần để mua thuốc. Vậy thì Long Châu có lợi thế gì để đạt được kỳ vọng chiếm 30% thị phần trong mảng hiệu thuốc?”, câu hỏi tiếp tục được đưa ra với người đứng đầu FPT Retail.
Bà Điệp đã giải thích: lượng thuốc ở Long Châu rất nhiều, đa dạng chủng loại. Số lượng có thể gấp 6 lần nhà thuốc bình thường. Vậy nên, người tiêu dùng sẽ có xu hướng mang toa đến nơi có đủ loại thuốc.
Bà Điệp tiết lộ thêm, chỉ 60% doanh thu của Long Châu đến từ dược phẩm, còn lại là đến từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dụng cụ y tế… Mảng ngoài dược phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn thuốc.
Kết thúc năm 2017, FPT Shop đạt doanh thu 13,147 tỉ đồng, tăng 21.1% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 289.8 tỉ đồng, tăng 39.7% so với năm 2016. Trong đó, doanh thu bán hàng trực tuyến đạt 2,034 tỉ đồng, tăng trưởng 68% so với năm 2016 và chiếm 15.47% tổng doanh thu của công ty.
Năm 2018, FPT Retail đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu lên mức 16.020 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế lên mức 377 tỉ đồng, tăng 30% so với năm trước.