Các động thái của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ luôn được chú ý trong mùa dịch Covid-19. Mới đây, ngay sau khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bất ngờ giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng điều chỉnh giảm một loạt các mốc lãi suất điều hành.
Theo đó, vào chiều ngày 16-3, NHNN lần lượt ban hành đến 4 Quyết định điều chỉnh lãi suất. Động thái này diễn ra sau khi Ngân hàng trung ương các quốc gia lớn (bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc) có phiên họp khẩn cấp ngay trong ngày đầu tuần, đều cắt giảm mạnh lãi suất.
Động thái này cũng mang đến sự hy vọng về thị trường tài chính sẽ tích cực hơn, sau Thông tư 01 (khung pháp lý tái cấu trúc nợ xấu vì Covid-19) vừa ban hành. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mức độ ảnh hưởng chưa thực sự nhiều.
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), các loại lãi suất này chủ yếu nhằm hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống, giảm lãi suất ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng. “Mức độ liên thông của các loại lại suất ngắn hạn này đối với mặt bằng lãi suất cho vay thực tế tại Việt Nam khá hạn chế”, báo cáo nhận định.
Trong khi đó, theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính – ngân hàng, bước đi điều chỉnh các lãi suất điều hành này phù hợp với yếu tố lạm phát, tỉ giá và các chỉ tiêu vĩ mô khác hiện nay nhưng tác động của việc giảm lãi suất điều hành mang tính trung và dài hạn. “Chủ yếu tác động đến các khoản vay mới, còn các khoản vay cũ sẽ do Ngân hàng thương mại quyết định”, ông Tín nhận định.
Theo các chuyên gia của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mặt bằng lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ có xu hướng giảm trong thời gian tới (kỳ vọng khoảng 0,5 điểm phần trăm). Lý do là vì nhu cầu vay vốn giảm và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, trong khi chi phí huy động vốn trên thị trường liên ngân hàng giảm, đi cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ.
Nhưng những tác động gián tiếp này sẽ cần đến thời gian. Từ khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 và ảnh hưởng ngày càng nặng nề đến nền kinh tế, thị trường luôn thảo luận và nóng lòng chờ đợi các gói hỗ trợ từ cơ quan quản lý.
Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm nhưng bật tăng từ đầu năm đến nay. Nguồn: BVSC
Theo các nhà phân tích, cơ quan quản lý tiền tệ cũng gặp thế kẹt khi lạm phát Việt Nam kết thúc tháng 2 vẫn ở mức tương đối cao (trên mức 5%, theo BVSC).
“Ngân hàng Nhà nước chưa thể mạnh tay giảm trần lãi suất tiền gửi do lo ngại ảnh hưởng đến nguồn tiền tiết kiệm”, BVSC cũng bình luận thêm về việc cắt giảm trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng chỉ ở mức khiêm tốn (từ 5% về còn 4,75%).
Thêm nữa, một áp lực khác còn nằm ở việc nhiều nước sẽ tăng cường chính sách “tiền rẻ”, bao gồm cả việc tung ra các gói định lượng như Fed mới quyết định hồi đầu tuần. Tiền đồng vì thế sẽ tiếp tục chịu áp lực cao hơn, đi cùng với diễn biến khó lường hơn.
Chính vì thế, diễn biến của lạm phát sẽ là tiêu chí quan trọng để thị trường theo dõi trong thời gian tới. Điều may mắn là giá xăng, dầu mới giảm mạnh theo diễn biến giá thế giới gần đây.
Trên thực tế, một “kế hoạch B” trực diện và mạnh tay hơn vẫn đang được nhiều chuyên gia thảo luận và thị trường chờ đợi, bao gồm câu hỏi: liệu có cần mạnh tay “bơm” thêm tiền để cứu các doanh nghiệp?
Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia đều tin rằng các hỗ trợ liên quan đến thanh khoản cho doanh nghiệp “sống sót” sẽ tốt hơn là việc tính toán giảm lãi suất các khoản vay mới, vốn không có nhiều ý nghĩa khi nhu cầu mở rộng thị trường, đầu tư mới hiện nay là không có.
“Với việc lạm phát vẫn đang ở mức cao, dư địa để NHNN tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tới là không lớn. Thay vào đó, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ đẩy mạnh các chính sách kích thích tài khóa bao gồm giãn, hoàn nộp thuế, phí, lãi suất, bảo hiểm… có tác động trực tiếp nhằm hỗ trợ thanh khoản các doanh nghiệp đang gặp khó khăn mà không ảnh hưởng tới yếu tố lạm phát”, báo cáo của KBSV nhận định.
Có thể thấy bối cảnh hiện nay là hàng loạt các doanh nghiệp hiện nay không có doanh thu, dòng tiền đi vào bị “chặn” lại, trong khi chi phí về nhân sự, mặt bằng, tồn kho,… vẫn cứ ngày một tăng thêm.
Sau Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quyết liệt hỗ trợ doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi Covid-19, NHNN đã ban hành Thông tư 01 giúp ngân hàng thương mại được quyền “tự quyết” các khoản nợ xấu của mình. Trong khi đó, dự thảo của Bộ Tài chính về gói giãn thời gian nộp thuế, bảo hiểm vẫn chưa hoàn thiện.
Với tình hình hiện nay, một “phương án B” cho chính sách tiền tệ cần sự chung tay của nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Còn với cơ quan quản lý các tổ chức tín dụng, nhiệm vụ nói thì đơn giản nhưng làm không hề dễ, đó là làm thế nào để hỗ trợ (và giám sát) các ngân hàng thương mại hỗ trợ “trúng” và “đúng” đến các doanh nghiệp chịu thiệt hại vì Covid-19.
Dũng Nguyễn