Theo đó, dù giữ phần nhỏ cổ phiếu, Chính phủ vẫn có quyền phủ quyết các vấn đề quản trị không hợp lý tại doanh nghiệp. Khi nắm quyền này, doanh nghiệp sẽ không “vuột khỏi tầm tay”, hay nói cách khác, Chính phủ có thể yên tâm bán tối đa phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đang tái cấu trúc, mà vẫn không lo mất quyền kiểm soát tại các doanh nghiệp này.
Khuyến nghị của ông Fiachra được đưa ra trong một phân tích rằng, nền kinh tế Việt Nam đang thiếu vốn dài hạn trầm trọng (vốn tự có của các ngân hàng mỏng và ngân hàng khó có thể phát hành trái phiếu kỳ hạn dài 20 – 30 năm).
Thực tế này là một thách thức đối với tiến trình thoái vốn hiện nay của các doanh nghiệp nhà nước. Các cuộc thoái vốn lớn nhất tại Việt Nam gần đây như tại Sabeco (năm 2017, Bộ Tài chính bán 53,6% vốn tại doanh nghiệp này, thu về gần 5 tỷ USD), Vinamilk (năm 2016 – 2017, 8,7% vốn
Nhà nước tại Vinamilk được bán với giá khoảng 750 triệu USD)… đều phụ thuộc vào bên mua là khối ngoại. Sự thiếu vốn dài hạn trong nước dẫn đến hạn chế khả năng vốn nội địa mua cổ phần Nhà nước tại các doanh nghiệp đang tái cấu trúc. Trong khi đó, để thu hút vốn ngoại chảy vào các cuộc mua lớn, đòi hỏi khung pháp lý tại Việt Nam phải rộng cửa đón vốn ngoại hơn.
Ở một góc nhìn khác, trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, ông Lê Hải Trà, phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) đánh giá, cổ phiếu vàng là hình thái được áp dụng tại các nước phương Tây trong giai đoạn trước.
Với thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Trà cho rằng, vấn đề quan trọng là làm thế nào để các nhà đầu tư nước ngoài được mua bán cổ phiếu vượt tỷ lệ cho phép (49%), để tìm kiếm lợi ích kinh tế. Thực tế, có một lực lượng không nhỏ dòng vốn nước ngoài chảy với tốc độ ngày càng nhanh hơn, tìm kiếm cơ hội trên các thị trường vốn quốc tế.
Nếu có công cụ đầu tư phù hợp thì vốn ngoại chắc chắn sẽ giúp thị trường chứng khoán Việt Nam sôi động hơn. Hiện tại, trong Top 30 cổ phiếu hình thành nên chỉ số VN30, có 8 mã đã đầy room ngoại. Trong khối 16 ngân hàng trên sàn, có 9 ngân hàng vốn ngoại không thể mua thêm.
Công cụ đầu tư ông Trà đề cập có tên là chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) và HOSE từng có đề án đề xuất áp dụng sản phẩm này sau khi tham khảo cách làm của thị trường chứng khoán Thái Lan. Tuy nhiên, cho đến nay, hai ý tưởng trên (cổ phiếu vàng hay NVDR) vẫn chỉ là ý tưởng. Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung hiện chưa có những khái niệm này.
Tại Diễn đàn Thị trường vốn Việt Nam tổ chức tuần qua, Phó thủ tướng Vương Ðình Huệ đã chia sẻ thông điệp, Chính phủ kiên quyết thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam sớm được công nhận là thị trường mới nổi.
Theo góc nhìn của các chuyên gia quốc tế, tiêu chí thâm nhập thị trường cho nhà đầu tư ngoại đang được MSCI coi là trở ngại lớn nhất trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam. Các rào cản khác như chuẩn kế toán, minh bạch hay thanh khoản đúng là những rào cản, nhưng để thay đổi được không phải là khó nhất.
Các thị trường phát triển như Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, hay các thị trường mới nổi như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc…có sự dễ dàng trong lưu chuyển vốn vào ra và độ mở cho tỷ lệ sở hữu của khối ngoại ở mức rất cao và đáng kể.
Thị trường chứng khoán Việt Nam muốn thực thi mục tiêu nâng hạng như quyết tâm của lãnh đạo Chính phủ thì không thể không sớm rộng mở, hoặc tạo ra các công cụ mới cho dòng vốn này chảy dễ dàng hơn.
Mọi sự thay đổi trên thị trường đều cần bắt đầu bằng tư duy chính sách. Vậy nên chăng, cổ phiếu vàng, NVDR hay những sản phẩm, công cụ đầu tư mới khác cần được xem xét tính khả thi để đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán? Hiện tại, dự luật này mới chỉ đang ở mức làm rõ tỷ lệ 49%.