Mong đợi nới lỏng chính sách tiền tệ có thể sẽ phải đợi đến năm sau, khi ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: rất ít cơ hội cho việc thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng từ nay đến cuối năm, bởi tuy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 đã giảm tốc đáng kể, nhưng vẫn tăng 13,29% so với tháng 2/2010 và tăng tới 20,82% so với cùng kỳ năm ngoái.
Rất ít “đất” cho nới lỏng tiền tệ
Theo ông Thức, có quan điểm, đặc biệt là từ DN, nhìn nhận tốc độ tăng CPI từ tháng 5 đến nay đang chậm lại, khiến họ lầm tưởng CPI giảm, nên nóng lòng muốn nới lỏng chính sách tiền tệ. Quan điểm này là quá mạo hiểm và rất rủi ro cho ổn định vĩ mô, bởi thực tế CPI tháng 6 tăng 1,09% so với tháng 5, nhưng đây vẫn là tỷ lệ cao so với quy luật diễn biến CPI vào thời điểm giữa năm của Việt Nam trong nhiều năm qua.
“Nếu nóng vội nới lỏng chính sách tiền tệ, ít nhất là trong năm nay, thì nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thực hiện trong thời gian qua sẽ trở nên vô nghĩa. Khi đó, chúng ta sẽ đối mặt với thiệt hại kép: vừa tiêu tốn vô ích nguồn lực của nền kinh tế cho kiềm chế lạm phát thời gian qua, vừa tác động tiêu cực đến ổn định vĩ mô cả trong trước mắt lẫn lâu dài…”, ông Thức cảnh báo.
Ngay cả khi quyết liệt tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ, tài khoá thắt chặt từ nay đến cuối năm, thì nguy cơ CPI vượt chỉ tiêu mà Chính phủ vừa điều chỉnh trong tháng 5 là 15% vẫn rất lớn. Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) dự báo, CPI 6 tháng cuối năm tăng 2,5 – 3,9%, đưa chỉ số này lên mức 17 – 18% trong năm 2011.
Nguyên nhân khiến CPI có nguy cơ vẫn tăng cao trong điều kiện không nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khoá từ nay đến cuối năm là do bắt đầu bước vào mùa mưa bão; dịch bệnh gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát, nên rất dễ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất lương thực, thực phẩm, những nhóm hàng vốn tác động lớn đến CPI.
Nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm tăng đột biến. Giá nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất trong nước vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi nguy cơ tăng giá một số mặt hàng thiết yếu từ nay đến cuối năm chưa phải đã được loại bỏ hoàn toàn, nên ảnh hưởng đến kỳ vọng lạm phát của người dân…
Ông Thắng cho rằng, nếu muốn ổn định vĩ mô, nhất quyết không được để tuột tay việc duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khoá đang được thực thi đúng hướng và bắt đầu mang lại kết quả tích cực.
TTCK phản ứng ra sao?
Nếu duy trì chính sách tiền tệ, tài khoá thắt chặt, liệu có khiến TTCK thêm ảm đạm từ nay đến cuối năm? Câu trả lời là khó tránh khỏi, nhưng nhiều CTCK cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, nếu được chọn giữa việc ổn định vĩ mô với vội vàng nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh vẫn còn nhiều bất ổn, thì họ chọn ổn định vĩ mô, vì lợi ích bền vững và dài hạn của thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó tổng giám đốc CTCK Kim Eng, chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khoá của Chính phủ đã đi đúng hướng và đang phát huy hiệu quả tích cực. Chính sách này mới đi được khoảng nửa chặng đường, nghĩa là ít nhất nó cần được duy trì hết năm nay, thì mới tạo nền tảng cho ổn định vĩ mô.
Quan điểm nóng lòng muốn nới lỏng chính sách tiền tệ khi vĩ mô chưa có tín hiệu ổn định vững chắc, để tạo hiệu ứng tích cực ngay cho TTCK là tư duy của thời kỳ “ăn xổi”. Đã đến lúc nền kinh tế, đặc biệt là các DN phải nghĩ khác, làm khác để thích ứng với môi trường kinh doanh mới, có đặc thù là tăng trưởng không thể dựa quá nhiều vào vốn đầu tư lớn như hiện nay.
Thay vào đó, các DN phải tạo được đột phá trong nâng cao năng lực quản trị, giảm thiểu chi phí kinh doanh, cải tiến công nghệ sản xuất… Đây chính là nền tảng vững chắc cho thị trường, bởi xét về cội rễ, TTCK tốt hay xấu không thể thoát ly khỏi diễn biến vĩ mô, cũng như sức khoẻ của các DN.
“Từ nay đến cuối năm, nếu chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khoá tiếp tục được thực thi hiệu quả, tôi tin tình hình vĩ mô sẽ ổn định hơn và điều này sẽ tác động tích cực lên TTCK bền hơn so với nóng vội nới lỏng tiền tệ trên nền vĩ mô còn không ít bất ổn hiện tại”, ông Mạnh nói.
Tiến sĩ Alan T.Phạm, Trưởng kinh tế gia của VinaSecurities cho biết, điều nhiều NĐT nước ngoài đang trông đợi nhất lúc này là Chính phủ tiếp tục thực hiện quyết liệt chính sách thắt chặt tiền tệ, cắt giảm đầu tư công. Nếu “lỏng” định hướng điều hành này có thể giúp TTCK khởi sắc ngay, nhưng rất nguy hại cho ổn định vĩ mô, cũng như TTCK về lâu dài.
“Qua tiếp xúc với một số NĐT tổ chức nước ngoài, họ đang theo dõi rất sát quyết sách điều hành nhằm ổn định vĩ mô của Chính phủ. Nếu định hướng này tiếp tục được duy trì, họ sẽ cân nhắc giải ngân vào các đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu của một số DNNN lớn trong thời gian tới”, ông Alan chia sẻ.