Ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của Thông tư 13 khi được ban hành thời điểm hiện nay?
Thông tư số 13/2018/TT-NHNN (Thông tư 13) đã tiệm cận các thông lệ quốc tế, tạo nên các chuẩn mực mới cao hơn, chặt chẽ hơn trong việc quản trị rủi ro của ngân hàng, mà vẫn phù hợp với tình hình của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay. Cụ thể:
Thứ nhất, đưa ra các quy định về cơ cấu tổ chức đối với giám sát của quản lý cấp cao, nâng cao năng lực quản trị, bảo đảm kiểm soát tốt chất lượng hoạt động thông qua hệ thống kiểm soát nội bộ. Mỗi tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thành lập các hội đồng giám sát cấp cao, từ cấp độ HĐQT đến cấp độ điều hành, đảm bảo được các quy định cụ thể về cơ chế hoạt động, các thành phần, năng lực chuyên môn của các thành viên trong HĐQT và các chính sách, quy trình mà HĐQT phải ban hành, thực hiện.
Thứ hai, đặt ra những yêu cầu, tiêu chuẩn quản lý rủi ro, tiếp cận sát hơn với thông lệ quốc tế về quản trị ngân hàng, từng bước thực hiện các quy định của Basel II về bảo đảm an toàn trong hoạt động.
Các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn về định lượng và phát triển các mô hình quản trị rủi ro theo từng loại rủi ro trọng yếu như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng và rủi ro tập trung.
Từ đó, tính toán các mức vốn tối thiểu phân bổ cho tài sản mỗi loại rủi ro để nâng cao mức độ an toàn vốn sát với hoạt động thực tại của ngân hàng, trong khi các quy định trước đây chỉ yêu cầu vốn cho rủi ro tín dụng. Điều này đòi hỏi những yêu cầu khắt khe hơn, góp phần thúc đẩy công tác quản trị rủi ro không những tập trung ở các phòng, ban hay hội sở, mà còn chi tiết đến từng đơn vị kinh doanh ở các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Thứ ba, thúc đẩy các ngân hàng phát triển và hoàn thiện về mặt cơ sở dữ liệu. Song song với việc đáp ứng các chuẩn mực quản lý rủi ro, hệ thống thông tin hiện tại là một thực trạng khó khăn của hầu hết các các ngân hàng Việt Nam khi thiết lập các công cụ tính toán, xây dựng mô hình quản trị rủi ro. Vì vậy, đây là bài toán cần được các ngân hàng giải quyết trước khi tiến lên một cấp độ cao hơn trong công tác quản trị rủi ro.
Thứ tư, giúp tăng cường khả năng giám sát, quản lý của các cơ quan thanh tra – giám sát ngân hàng thông qua các báo cáo cụ thể, chi tiết về các chỉ tiêu vốn, đánh giá mức đủ vốn, tình hình tuân thủ quy định nội bộ tại chính các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Có ý kiến cho rằng, Thông tư 13 sẽ gia tăng chi phí tuân thủ đối với các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần. Ông có nhận định gì về điều này?
Theo yêu cầu của Thông tư 13, ngân hàng phải có đủ nguồn lực về tài chính, con người, công nghệ thông tin, để đảm bảo hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ và đương nhiên sẽ làm gia tăng chi phí tuân thủ cho ngân hàng.
Về tài chính, ngoài đảm bảo yêu cầu vốn và thanh khoản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (Thông tư 36/2014 và Thông tư 4/2016), các NHTM phải lập kế hoạch dự trữ thanh khoản và kế hoạch vốn dựa trên định kỳ kiểm tra sức chịu đựng với nhiều kịch bản có diễn biến bất lợi của thị trường để có thể xác định mức dự phòng thanh khoản và mức vốn mục tiêu phải nắm giữ trong ít nhất 3 năm tiếp theo. Điều này sẽ làm gia tăng thêm chi phí vận hành quản lý, chi phí dự trữ thanh khoản và chi phí vốn cho các ngân hàng.
Bên cạnh đó, ngoài mức vốn yêu cầu cho các rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro hoạt động theo quy định của Thông tư 41/2016, Thông tư 13 còn yêu cầu các ngân hàng phải thêm mức vốn cho rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng, rủi ro tập trung, rủi ro trọng yếu khác. Điều này càng làm gia tăng thêm chi phí vốn cho các ngân hàng.
Về cơ cấu tổ chức và nhân sự, Thông tư 13 ngoài yêu cầu các ngân hàng xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ với 3 tuyến bảo vệ độc lập, thì cũng yêu cầu các ngân hàng xây dựng cơ cấu tổ chức giám sát quản lý cao cấp, gồm các ủy ban thuộc HĐQT (ủy ban quản lý rủi ro, ủy ban nhân sự) và các hội đồng thuộc Ban Tổng giám đốc (hội đồng rủi ro, hội đồng ALCO, hội đồng quản lý vốn). Cơ cấu tổ chức này cũng buộc các ngân hàng phải tăng chi phí cho đội ngũ nhân sự.
Về công nghệ thông tin, gần như đây là yêu cầu mà các NHTM gặp nhiều khó khăn nhất trong thời điểm hiện nay, đặc biệt là cơ sở dữ liệu. Thông tư 13 yêu cầu các NHTM phải bảo đảm thông tin, dữ liệu cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng các yêu cầu quản lý rủi ro, bảo đảm bảo mật an toàn thông tin và có các hệ thống dự phòng.
Như vậy, các NHTM phải đầu tư nâng cấp, cập nhật hệ thống công nghệ thông tin thường xuyên, cũng như cơ sở dữ liệu chính xác, phù hợp với quy mô, cơ cấu và mức độ phức tạp trong hoạt động kinh doanh của mình.
Với thực tế trên, các NHTM cổ phần sẽ gặp nhiều khó khăn khi triển khai Thông tư 13?
Hiện nay, nhiều ngân hàng đã xây dựng lộ trình triển khai Basel II và Thông tư 41/2016 nên một số yêu cầu của Thông tư 13 đã được các ngân hàng đáp ứng trong lộ trình này.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các ngân hàng vẫn đang rất khó khăn trong việc tăng vốn tự có để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo yêu cầu của Thông tư 41/2016 có hiệu lực từ 1/1/2020.
Nếu tính thêm các yêu cầu của Thông tư 13 thì khả năng tuân thủ các yêu cầu về mức độ an toàn vốn càng khó hơn.
Ông có thể chia sẻ SCB đã lên kế hoạch tuân thủ Thông tư 13 như thế nào? Dự tính chi phí tuân thủ tăng thêm của Ngân hàng là bao nhiêu?
Cơ cấu tổ chức của SCB đã khá hoàn thiện. SCB đã có các ủy ban giúp HĐQT thực hiện giám sát hoạt động như Ủy ban Kinh doanh và đầu tư, Ủy ban Quản lý rủi ro, Ủy ban nhân sự, khen thưởng và kỷ luật, Ủy ban xử lý rủi ro và thu hồi nợ. Bên cạnh đó, SCB cũng đã có Hội đồng ALCO tham mưu cho Tổng giám đốc trong công tác điều hành. Theo Thông tư 13, trong năm nay, SCB sẽ thành lập thêm 2 hội đồng nữa là Hội đồng quản lý vốn và Hội đồng rủi ro để đề xuất, tư vấn cho Tổng giám đốc trong lĩnh vực liên quan.
Trong những năm qua, SCB luôn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thông tin và cơ sở dữ liệu, xem đây như là việc cấp bách cần quyết liệt thực hiện để phát triển. Với quy định của Thông tư 13 yêu cầu các NHTM phải bảo đảm thông tin, dữ liệu cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, đáp ứng các yêu cầu quản lý, SCB đã có một số thuận lợi.
Chẳng hạn, SCB đã có cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng, rủi ro thị trường, rủi ro thanh khoản. Về quản lý rủi ro tín dụng, SCB đã xây dựng được phương pháp luận, hệ thống công nghệ phục vụ cho việc đánh giá xếp hạng tín dụng nội bộ (định lượng và định tính) và đang trong quá trình thu thập dữ liệu phục vụ mô hình tính toán xác suất vỡ nợ.
Ngoài ra, SCB cũng đang có kế hoạch thực hiện tự đánh giá kiểm soát rủi ro hoạt động (RCSA) để xác định hiệu quả của hoạt động kiểm soát đối với rủi ro hoạt động trước và sau khi kiểm soát.
Quy định đánh giá nội bộ về mức đủ vốn là một thách thức lớn đối với SCB nói riêng và các NHTM cổ phần nói chung. Tuy nhiên, hiệu lực của quy định này là từ 1/1/2021, sau hiệu lực của Thông tư 41/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng có hiệu lực từ 1/1/2020.
Do đó, SCB đã có lộ trình tăng vốn tự có của mình để đáp ứng mức độ đầy đủ vốn theo Thông tư 41/2016, sau đó tiến đến đáp ứng theo Thông tư 13.