Ám ảnh nguy cơ khủng hoảng
“Chúng tôi đang lo ngại chu kỳ khủng hoảng 10 năm”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mở đầu Hội thảo khoa học “Củng cố, tạo lập nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững trong bối cảnh mới ở Việt Nam” do Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức mới đây. Từ đó, Phó Thủ tướng đã đề nghị các nhà khoa học nghiên cứu và hiến kế với Chính phủ cách thức đưa nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững.
Đã nhiều lần các chuyên gia kinh tế cảnh báo chu kỳ 10 năm để mong tránh được quy luật này. Hồi đầu năm, một nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright đã chỉ ra cái “dớp” khủng hoảng và chu kỳ trục trặc cứ sau 10 năm tăng trưởng tốt lại có một năm trục trặc thậm chí là khủng hoảng.
Năm 1979: sản xuất đình đốn. Năm 1989, là sự sụp đổ các hợp tác xã tín dụng. Năm 1998-1999, do ảnh hưởng cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực vào năm 1997-1998, các hoạt động kinh tế gần như bị đóng băng. Năm 2008 – 2009 là sự khủng hoảng của hệ thống tín dụng.
“Việt Nam cần hết sức lưu ý trong hai năm tới vì các trục trặc vĩ mô thường xảy ra trong khoảng thời gian này của mỗi thập kỷ. Nếu có thể vượt qua được “dớp” này thì sẽ là cú huých rất lớn cho sự phát triển của Việt Nam”, ông Huỳnh Thế Du (Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright), lưu ý.
Vừa phát triển bền vững, vừa phát triển nhanh đang là một yêu cầu để bảo đảm đất nước không tụt hậu với các nước trong khu vực. So với mặt bằng 10 năm trước thì hiện nền tảng của nền kinh tế tốt hơn rất nhiều; chất lượng tăng trưởng cũng được cải thiện tích cực, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt kết quả tốt nhờ ở kinh tế thực, nhờ ở năng suất lao động tăng lên, nhờ ở vốn đầu tư tư nhân gia tăng mạnh mẽ… chứ không phải dựa vào vốn như trước, và tăng trưởng cao nhờ ở công nghiệp chế tạo không còn phụ thuộc vào khai khoáng, vào khai thác dầu thô…
Tuy nhiên, theo TS.Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam: “Những kết quả đạt được nói trên cũng chỉ là thành công ban đầu và chủ yếu nhờ vào các giải pháp mang tính ngắn hạn cộng với sự quyết liệt trong điều hành của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều vấn đề mang tính cơ cấu của nền kinh tế mới chỉ được nhận diện mà chưa có phương án giải quyết một cách căn cơ”. Đặc biệt tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng vẫn khá chậm chạp.
Tăng trưởng tăng nhưng giá trị gia tăng giảm
“Tăng trưởng nhanh và bền vững” là chủ đề được bàn thảo nhiều lần ở nhiều nơi.
Nhìn lại với kết quả đã đạt được là “cao nhất trong 10 năm qua”, nhưng nếu so với mục tiêu và mong mỏi tiến tới, so với kết quả các nước đã đi trước và thành công thì phát triển chưa nhanh, chưa bền vững, theo Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình. Đặc biệt so với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì đến nay ta không đạt được và đã bỏ lỡ cơ hội, chưa tận dụng được tốt nhất thời kỳ dân số vàng và lợi thế của nước đi sau trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Đáng quan ngại hơn là dù tăng trưởng kinh tế cải thiện, nhưng giá trị gia tăng của nền kinh tế lại giảm đi. Các thị trường như thị trường tài chính – vốn, lao động, khoa học công nghệ, hàng hoá – dịch vụ và thị trường bất động sản vừa phát triển chưa đầy đủ, lại đang có những dấu hiệu quá nóng.
TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng, mặc dù các yếu tố đầu vào cho nền kinh tế vẫn còn dư địa sử dụng nhưng việc cần thiết phải là cơ cấu lại chất lượng sử dụng các yếu tố nguồn lực. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa hình thành được đầy đủ các thị trường để phân phối các nguồn lực kinh tế (vốn, đất đai – bất động sản, lao động, khoa học kỹ thuật, hàng hoá – dịch vụ). Sâu xa hơn là thể chế vận hành của các thị trường này chưa có, cần phải được tập trung xây dựng.
Khẳng định động lực chính cho tăng trưởng nhanh và bền vững là khu vực kinh tế tư nhân, và khu vực này đã góp phần quan trọng cho sự tăng trưởng vượt kỳ vọng trong những tháng qua, trong năm qua… Nhưng nhìn về tương lai lời cảnh báo cái dớp khủng hoảng 10 năm, TS.Trần Đình Thiên lo lắng: “Khi kinh tế tư nhân được Chính phủ giao trọng trách, ý thức được rõ ràng rằng Chính phủ tin tưởng họ thì họ sẽ tốt lên. Tiếc là ta vẫn chưa làm được như vậy, làm cho trụ cột tăng trưởng chưa rõ ràng”.
Trong khi đó, các cân đối lớn của nền kinh tế cũng chưa thực bền vững. Đơn cử như ngân sách, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng trong những năm qua, Chính phủ cố gắng cân bằng ngân sách, khống chế nợ công bằng cách tăng các khoản thu một lần như bán đất, bán tài sản công hay thu từ cổ tức của các DNNN. Nhưng các nguồn này đang dần cạn kiệt nên phải chuyển sang tăng thu bằng cách đưa ra nhiều loại thuế mới.
Ông cho rằng, nếu thực hiện tốt chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế để giảm chi thường xuyên, để lấy nguồn cho đầu tư được thực hiện tốt hơn thì chúng ta sẽ không phải tăng thuế, phí dồn dập, tận thu. Bởi tăng thuế quá mức sẽ tạo nên một sự dịch chuyển nguồn lực từ khu vực tư đang hoạt động hiệu quả sang khu vực công hoạt động kém hiệu quả hơn. Điều này không có lợi cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn…
Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, cơ hội phía trước còn khá lớn nếu biết tận dụng sẽ biến các thách thức thành lợi thế. Thế giới đang có triển vọng kinh tế tốt đồng thời là cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế rất sâu rộng giúp tiếp cận với chuyển giao công nghệ, luân chuyển vốn, trước ngưỡng cửa cuộc cách mạng về khoa học công nghệ đặc biệt nổi lên là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đó là những tiền đề để nếu ta biết tận dụng một cách nhanh nhất, bản lĩnh và quyết liệt nhất thì sẽ biến các thách thức thành lợi thế để hoàn thành được mục tiêu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.