Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản trả lời công văn của Uỷ ban kinh tế của Quốc hội về chính sách và thực trạng đầu tư tại Việt Nam.
VCCI đánh giá hiện chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam là hấp dẫn, ví dụ các ưu đãi về thuế. Nhờ vào ưu đãi thuế, đi kèm với đó là nhân công, năng lượng giá rẻ, một lượng lớn FDI đã đổ vào Việt Nam. Tính đến hết tháng 6/2018, tổng vốn đăng ký đạt 331,2 tỷ USD, vốn giải ngân luỹ kế khoảng 180,7 tỷ USD.
FDI còn đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP, nguồn thu ngân sách. FDI cũng góp phần giúp nền kinh tế được chuyển dịch cơ cấu, nâng cao trình độ công nghệ…
Dù vậy, VCCI cho biết nhiều bất cập trong thu hút, sử dụng FDI ở Việt Nam vẫn đang tồn tại. Cụ thể, tỉ lệ dự án sử dụng công nghệ cao còn thấp, công nghệ nguồn vẫn chưa thu hút được cũng như chưa có sự bứt phá trong xu thế thu hút sử dụng FDI. Bên cạnh đó, tác động lan tỏa từ khu vực FDI đến doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước còn bất cập.
Đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật về ưu đãi đầu tư trong thời gian tới để bảo đảm sự phát triển hài hoá, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, VCCI theo đó đã đề xuất một số biện pháp.
Thứ nhất, VCCI cho rằng cần phải tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư thông qua dỡ bỏ rào cản gia nhập ngành, minh bạch hoá thông tin, chính sách. Nguyên nhân, đối với các doanh nghiệp đầu tư trong một ngành, lĩnh vực thì các quy định quản lý ngành sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư hơn là các quy định về ưu đãi.
Thư hai, VCCI đề xuất khi xây dựng các chính sách ưu đãi đầu tư thì cần phải đánh giá cả tác động tích cực và tiêu cực, chú trọng sử dụng phương pháp định lượng.
Qua khảo sát, nghiên cứu, VCCI cho biết đã có tình trạng các cơ quan đề xuất chính sách ưu đãi chỉ tập trung vào việc trình bày những tác động tích cực của chính sách như giúp phát triển kinh tế địa phương, hoặc tăng vốn đầu tư vào một ngành nghề cụ thể. Tuy nhiên, các tác động tiêu cực về ngân sách, về giảm đầu tư ở nơi khác hoặc tác động tiêu cực về môi trường, cạnh tranh thì thường không được đề cập.
Do đó, cần tiến tới đặt ra nguyên tắc rằng nếu đề xuất chính sách ưu đãi đầu tư nào mà không thể hiện đầy đủ và rõ nét các tác động tiêu cực thì phải được hạn chế trong quá trình thẩm định, thẩm tra và thông qua.
Thứ ba, VCCI cho biết cần phải minh bạch về điều kiện, thủ tục hưởng ưu đãi của doanh nghiệp. Thời gian qua có tình trạng một số chính sách ưu đãi được ban hành nhưng không có quy định hoặc quy định không minh bạch về điều kiện và thủ tục để được hưởng ưu đãi. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xin xác nhận đối tượng được hưởng ưu đãi.
Thậm chí, có trường hợp chính sách trao quyền tuỳ nghi quá lớn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận, tạo cơ hội cho tham nhũng tiêu cực, doanh nghiệp phải chung chi để được xác nhận đủ điều kiện được ưu đãi. Điều này khiến chính sách không phát huy được tác dụng, còn doanh nghiệp thì nản lòng.
Thứ tư, VCCI cho rằng cần xác định thời hạn đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi.
Việc ưu đãi, theo VCCI, có thể được coi là biện pháp “mồi” trong một giai đoạn nhất định. Tuy nhiên, sau một thời gian, nếu lĩnh vực, địa bàn đó đã có làn sóng đầu tư tốt, thì cần giảm bớt chính sách ưu đãi. Còn nếu không có nhiều nhà đầu tư, có nghĩa là biện pháp không hiệu quả, cần nâng cấp hoặc điều chỉnh.
Vì vậy, VCCI gợi ý hiệu lực của ưu đãi chỉ tối đa trong 5 năm kể từ khi ban hành. Sau thời gian đó, biện pháp ưu đãi hoặc phải được gia hạn, hoặc tự động hết hiệu lực.
Cuối cùng, theo VCCI là cần gắn việc xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư có sử dụng ngân sách với quá trình xây dựng kế hoạch, dự toán ngân sách
Hiện nay có tình trạng tách biệt giữa xây dựng chính sách ưu đãi đầu tư với việc xây dựng kế hoạch ngân sách. Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư dàn trải, lãng phí, gây xói mòn cơ sở thu ngân sách, dẫn đến việc Nhà nước buộc phải tăng thu từ những nguồn khác, gây phản ứng trong xã hội.
Theo VCCI, có thể tính đến giải pháp đưa những nội dung chung, mang tính nguyên tắc, về tổng chi/giảm thu cho ưu đãi đầu tư vào trong dự toán ngân sách. Các chính sách ưu đãi cụ thể không được phép vượt quá nguyên tắc và tổng chi/giảm thu đó.