Những phương án mới, lạ
Một trong các phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi khiến nhiều NĐT phải nhăn trán, gõ đầu là Nghị quyết ĐHCĐ (bằng văn bản) của CTCK Sacombank (SBS). Theo SBS, CTCK dự định phát hành lượng trái phiếu trị giá 800 tỷ đồng. Tuy nhiên, khác với các đợt phát hành tương tự, phương án của SBS khá mới lạ khi Công ty có thể ra điều kiện đối với người mua. Đầu tiên phải kể đến mức lãi suất của trái phiếu. Theo SBS, trong trường hợp trái chủ quyết định không chuyển đổi thì HĐQT Công ty được ủy quyền quyết định mức lãi suất nhưng không cao hơn 13%/năm. Trái với thông lệ thường thấy như trái tức được chi trả hàng năm, với trái phiếu SBS, nếu trái chủ không thực hiện quyền chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông thì chỉ đến kỳ đáo hạn sau 3 năm mới được thanh toán cả gốc lẫn lãi.
Để có thể ra các điều kiện khá “cứng”, phương án của SBS cũng xuất hiện các điều khoản “mềm” tạo lợi thế cho trái chủ. Chẳng hạn, về mức giá chuyển đổi, SBS không quy định cụ thể, mà nêu hai phương án lựa chọn. Hoặc SBS chốt theo giá trị sổ sách theo BCTC kiểm toán gần nhất hoặc là mức giá thị trường bình quân của cổ phiếu SBS 30 phiên trước ngày chốt danh sách chuyển đổi. Nếu mức giá nào thấp hơn thì sẽ được lấy làm giá chuyển đổi.
Một trong những phương án khác cũng gây nhiều thắc mắc cho NĐT gần đây là phương án phát hành trái phiếu trị giá 1.130 tỷ đồng của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG). Theo công bố, HAG thanh toán lãi suất trái phiếu hàng năm theo công thức: “Lãi suất = 5%x(1+Thay đổi tỷ giá hối đoái)”. Nếu việc tính toán lãi suất trên không được pháp luật cho phép thì HAG tính theo phương án thay thế: “Lãi suất = 5%x(1+y)n”, trong đó y sẽ được cố định là 10% trong trường hợp Công ty và trái chủ không thỏa thuận được về tỷ lệ. Trao đổi với ĐTCK, ông Võ Trường Sơn, Phó tổng giám đốc HAG giải thích cho sự “lạ” trong công thức tính lãi trái phiếu của HAG là bởi các khoản vay nợ ngoại tệ. Công thức tính của HAG có tính đến yếu tố trượt giá của VND nhằm bảo đảm cho quyền lợi của trái chủ.
Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK HSC, Phó chủ tịch Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam nhận xét, so với thông lệ quốc tế, trái phiếu chuyển đổi của các công ty Việt Nam có những điểm khác biệt rất lớn. Chẳng hạn, kỳ hạn của trái phiếu khá ngắn, phổ biến từ 1 – 3 năm, trong khi ở nước ngoài thường trên 3 năm. Bên cạnh đó, tại nước ngoài, trái phiếu chuyển đổi phần lớn dành cho NĐT nhiều quyền chọn. Tại Việt Nam, trái lại, NĐT không có nhiều phương án để lựa chọn, bởi khi đáo hạn, hầu hết bắt buộc chuyển đổi thành cổ phiếu…
Cẩn trọng khi tốt – xấu lẫn lộn
Đầu tháng 7, ĐHCĐ CTCP Nhựa Tân Hóa (VKP) đã thống nhất thông qua về nguyên tắc phương án phát hành lượng trái phiếu chuyển đổi trị giá 40 tỷ đồng. Thực tế, VKP kinh doanh thua lỗ triền miên, Công ty ngấp nghé trên bờ vực phá sản, giá cổ phiếu VKP hiện tại còn 2.000 đồng/CP.
Mới đây, một DN bất động sản đã phát hành trái phiếu kỳ hạn 2 năm, với trái tức tương đương lãi vay ngân hàng hiện nay. Cộng với các chi phí phát sinh hàng năm, DN phải trả lãi lên tới gần 30%/năm.
Bức tranh của thị trường trái phiếu DN đang đổi màu. Mới đây nhất, CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn (SMA) phải công bố lùi việc trả lãi trái phiếu (kỳ hạn tháng 6/2010 – 6/2011) do có khó khăn về tài chính. Đồng thời, SMA cũng kêu gọi các trái chủ ủng hộ bằng cách cho vay lại số tiền lãi này. Thời gian vay 1 năm, lãi suất 18%/năm. Hợp đồng bắt đầu được tính từ 1/7/2011.
Ông Mạc Quang Huy, Phó tổng giám đốc CTCK Thăng Long nhận xét, theo thông lệ, tại các TTCK phát triển, chỉ các DN được các tổ chức uy tín như Fitch, Standard & Poor’s, Moody’s… xếp hạng tín dụng tốt mới tìm được người mua trái phiếu. Trái lại, tại Việt Nam, trái phiếu DN đang nổi lên như một kênh huy động vốn ưa thích, nhưng chưa có xếp hạng tương tự. Vì vậy tồn tại nhiều rủi ro. Theo ông Huy, trong các đợt phát hành trái phiếu, DN phải công khai sức khỏe tài chính để người mua đánh giá đúng. DN ngấp nghé bờ vực phá sản vẫn có thể phát hành trái phiếu thành công theo nguyên tắc rủi ro cao đi kèm lợi nhuận lớn.
Trong khi đó, một lãnh đạo của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam đưa ra cảnh báo, trước đây, khi Vinashin phát hành thành công lượng trái phiếu trị giá hàng trăm triệu USD, ít ai ngờ có ngày tập đoàn này sa lầy. Tương tự, thị trường trái phiếu DN hiện nay đang sôi động, nhưng sự dễ dãi, hào phóng hiện tại có thể khiến một số nhà đầu tư trả giá đắt trong một vài năm tới. Tình trạng không thể thanh toán được nợ gốc và trái tức sẽ không còn là điều “mới lạ” trên thị trường.