So với thời điểm hơn hai tháng trước đó, ngày 2-5-2018 lãi suất trúng thầu trái phiếu kỳ hạn năm năm, 10 năm, 15 năm là 2,97%/năm; 4,15%/năm và 4,5%/năm, đường cong lãi suất đang dịch chuyển lên trên và lãi suất đang ra khỏi vùng đáy dù tốc độ vẫn còn khá chậm.
Hnx cho biết, từ đầu năm đến tháng 7-2018, Kho bạc Nhà nước đã huy động được qua đấu thầu tổng cộng 80.901 tỉ đồng trái phiếu, đạt chưa đầy 40% kế hoạch năm và thấp hơn 70% so với cùng kỳ. Giải ngân trái phiếu chính phủ cho đầu tư phát triển không được cải thiện, nhưng kho bạc vẫn đặt mục tiêu phát hành cao chủ yếu để trung hòa lượng trái phiếu phát hành lãi suất cao, kỳ hạn ngắn giai đoạn trước. Giờ đây, nợ chính phủ bằng trái phiếu huy động trong nước đã có kỳ hạn bình quân dài hơn, lãi suất thấp hơn. Để có được lợi ích này cho ngân khố quốc gia, dòng tiền trên thị trường đang dịch chuyển méo mó, tích lũy những tiềm ẩn khó lường cho việc thực thi, điều hành chính sách tiền tệ.
Người mua trái phiếu chính phủ chủ đạo là các ngân hàng thương mại và họ chỉ mua khi thanh khoản dồi dào, đồng thời giá thành huy động vốn của họ phải đủ thấp để đảm bảo việc đầu tư trái phiếu mang lại hiệu quả. Lãi suất trái phiếu các kỳ hạn nói trên hiện tại vẫn thấp hơn đáng kể giá thành vốn huy động của tổ chức tín dụng. Vậy tại sao các ngân hàng vẫn tham gia đấu thầu trái phiếu?
Trái phiếu chính phủ là công cụ tài chính an toàn, các ngân hàng ít nhiều đều nắm giữ tùy nhu cầu của từng đơn vị. Lý do này không phải chính yếu. Nguyên nhân khiến ngân hàng mua trái phiếu là bởi tiền thu về từ phát hành trái phiếu bị dồn ứ lại do mức giải ngân cho đầu tư công thấp chưa từng có, nên kho bạc phải mang gửi ngân hàng. Cuối năm 2017 tổng lượng tiền gửi của kho bạc ở các tổ chức tín dụng lên tới gần 293.500 tỉ đồng (cộng từ báo cáo tài chính của các ngân hàng), trong đó riêng ở Vietcombank là 165.082 tỉ đồng theo báo cáo tài chính năm đã kiểm toán của ngân hàng này. Đến ngày 31-3-2018, tức hết quí 1, tiền gửi của kho bạc ở Vietcombank giảm 40.000 tỉ đồng, nhưng lại phình ra ở những ngân hàng khác.
Tiền đang chạy vòng quanh mà không chảy vào sản xuất kinh doanh. Thanh khoản ngân hàng có sự trợ giúp của tổng phương tiện thanh toán tăng trưởng mười mấy phần trăm/năm, nên mua trái phiếu mà tiền bán trái phiếu kho bạc lại gửi ngân hàng. Thoạt nhìn điều này tưởng vô hại, nhưng tính toán kỹ, rủi ro đang nghiêng về ngân hàng. Các ngân hàng đang sử dụng cả nguồn vốn đầu vào ngắn hạn, chủ yếu huy động dưới 6-12 tháng để mua trái phiếu kỳ hạn tới 10-15 năm, chí ít cũng năm năm. Rủi ro kỳ hạn là rất lớn.
Bên cạnh đó, vốn huy động từ dân cư và tổ chức kinh tế của ngân hàng có hạn. Nguồn vốn này chủ yếu phục vụ cho cung ứng tín dụng. Không ngân hàng nào huy động tiền của dân lãi suất cao, tối đa 5,5%/năm kỳ hạn 1-3 tháng để mua trái phiếu chính phủ 10-15 năm với lãi suất dưới 4,5%/năm cả (chưa kể dự trữ bắt buộc, dự trữ thanh khoản). Việc tăng tổng phương tiện thanh toán hàng năm ẩn chứa trong nó yếu tố Ngân hàng Nhà nước cung ứng tiền cho ngân sách tiêu.
Gánh nặng vốn cho nền kinh tế, như vậy, đang ngày càng đè nặng lên vai hệ thống ngân hàng, trong khi chi ngân sách cho đầu tư phát triển không những chậm mà còn thu hẹp. Tuy nhiên sức ngân hàng có hạn, đặc biệt khi khối nợ xấu thật vẫn chưa giải quyết xong. Ngân hàng đang “tỉnh ngộ” và sự “tỉnh ngộ” đầu tiên là kiểm soát tín dụng. Bốn ngân hàng quốc doanh và nửa quốc doanh đã được chỉ đạo giảm tăng trưởng tín dụng 1% năm nay so với năm ngoái.
Trong kỳ họp Quốc hội vừa qua, Bộ Tài chính đã công khai với Quốc hội ý định trả khoản nợ 21.000 tỉ đồng cho Bảo hiểm Xã hội bằng trái phiếu chính phủ. Lập luận của Bộ Tài chính là nếu trả bằng tiền, Bảo hiểm Xã hội cũng mang đi đầu tư trái phiếu. Bảo hiểm Xã hội có lý để không đồng ý, không phải chỉ vì lãi suất trái phiếu chính phủ đang thấp hơn lãi suất huy động của ngân hàng, mà còn vì nguy cơ, giả sử một thời điểm nào đó, các trái chủ đua nhau bán trái phiếu vì cần vốn, khi ấy ai mua?
Ngân sách đang vay mượn quá mức cả trong nước và nước ngoài. Bộ Tài chính liệu đã bao giờ tính cụ thể sau một đêm ngủ dậy, ngân sách phải trả lãi bao nhiêu cho trái chủ trong nước, bao nhiêu cho chủ nợ nước ngoài, cả gốc và lãi? Hàng năm theo thống kê của các định chế tài chính quốc tế, dư nợ bình quân trên đầu người của người Việt ngày một tăng thêm. Mà đấy mới chỉ là nợ nước ngoài. Còn nợ trong nước, chưa thấy đề cập tới.