Cổ phiếu DBD của CTCP Dược – Trang thiết bị Y tế Bình Định đã giảm giá 22% so với mức giá tham chiếu 48.000 đồng/cổ phiếu trong phiên chào sàn 15/6/2018, khi đóng cửa phiên giao dịch 22/8 ở mức 37.500 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, đầu tháng 6, DBD hủy giao dịch trên sàn UPCoM để chuẩn bị niêm yết trên HOSE. Mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên trên HOSE được xác định dựa trên bình quân giá đóng cửa trong 20 phiên giao dịch cuối cùng tại sàn UPCoM.
Nhìn lại lịch sử giao dịch của cổ phiếu DBD từ khi chính thức lên sàn UPCoM (ngày 16/1/2017), cổ phiếu này đã tăng mạnh từ 25.000 đồng/cổ phiếu trong phiên chào sàn lên mức 42.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm cuối tháng 5/2018, đạt đỉnh hơn 56.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 11/2017.
Trong giai đoạn này, Quỹ Đầu tư phát triển Bình Định đã quyết định bán bớt 10,5 triệu cổ phần DBD, tương ứng 20% vốn điều lệ Công ty. Giao dịch thực hiện từ 16/10 đến 14/11/2017.
Hiệu ứng tăng giá khi chuyển sàn đã không xảy ra với DBD có thể xuất phát từ chính việc cổ phiếu này đã tăng rất mạnh trước đó.
Diễn biến tương tự với cổ phiếu TTB của CTCP Tập đoàn Tiến Bộ (TTB). Trong khoảng 1 năm rưỡi trước khi chuyển sàn từ HNX sang HOSE, cổ phiếu này đã có mức tăng ấn tượng gần 300%, từ mức giá hơn 5.000 đồng/cổ phiếu lên 20.700 đồng/cổ phiếu, đạt mức đỉnh lịch sử 25.000 đồng/cổ phiếu trong phiên 4/7/2018.
Cuối tháng 7 vừa qua, HOSE chấp thuận đăng ký niêm yết đối với 47 triệu cổ phiếu TTB. Ngày 17/8, TTB chào sàn với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 22.100 đồng/cổ phiếu. So với giá đóng cửa phiên 22/8, TTB đang giảm nhẹ.
Nhìn vào hoạt động kinh doanh của TTB, có thể thấy không quá ấn tượng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2018, TTB ghi nhận 221,3 tỷ đồng doanh thu và 24,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 16,1% và 71% so với nửa đầu năm 2017.
Tuy vậy, xét trên quy mô vốn điều lệ gần 470 tỷ đồng, hiệu quả kinh doanh của Công ty vẫn rất khiêm tốn. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trượt 4 quý gần nhất của TTB đạt khoảng 1.000 đồng, giá trị sổ sách của cổ phiếu là 11.530 đồng/cổ phiếu, thấp hơn nhiều so với thị giá hiện tại của cổ phiếu này.
Đà giảm cũng diễn ra với cổ phiếu SGN của CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn – “tân binh” sàn HOSE. Ngày 1/8, SGN chào sàn HOSE với giá tham chiếu 140.000 đồng/cổ phiếu, đóng cửa ở mức 144.000 đồng/cổ phiếu. So với giá đóng cửa ngày 22/8, SGN đang tạm ghi nhận mức giảm gần 5%.
Cổ phiếu này đã có mức tăng hơn 200% kể từ khi đăng ký giao dịch trên UPCoM vào cuối năm 2015 ở mức gia tham chiếu 70.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, năm 2016, SGN có mức tăng mạnh 183% và năm 2017 ghi nhận mức tăng 34%.
Ngày 3/8, 50 triệu cổ phiếu SCS của CTCP Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn đã lên niêm yết trên HOSE với giá tham chiếu 174.105 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch đầu tiên, SCS đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm hơn 2% và giảm nhẹ so với giá đóng cửa phiên 22/8.
Thị giá đã lên rất cao có lẽ là nguyên nhân chính khiến những tân binh như SGN, SCS khó tăng tiếp khi chuyển sàn. Dẫu vậy, nhà đầu tư sớm mua vào cổ phiếu này đã được hưởng thành quả lớn. Bởi thị giá SCS đã đạt mức tăng gần 50% so với đầu năm 2018 và tăng hơn 273% so với thời điểm 12/7/2017.
Cổ phiếu NRC của CTCP Bất động sản Netland nằm trong thiểu số cổ phiếu duy trì được quãng tăng khá dài sau khi chào sàn.
Từ mức giá tham chiếu 21.000 đồng/cổ phiếu trong phiên chào sàn HNX vào đầu tháng 4 – giai đoạn bắt đầu chuỗi giảm điểm mạnh của VN-Index trong suốt quý II, NRC đã bước vào xu hướng tăng chủ đạo, đạt 44.900 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 114% chỉ trong vòng 1 tháng và tiếp tục đạt đỉnh 51.700 đồng/cổ phiếu trong tháng 5/2018.
Với mức giá hiện tại, 34.700 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên 22/8), NRC vẫn đang tăng hơn 27% so với giá chào sàn.
Đà tăng của cổ phiếu NRC có bệ đỡ là kết quả kinh doanh rất tích cực trong nửa đầu năm nay. Kết thúc quý II, NRC ghi nhận doanh thu 84 tỷ đồng, tăng hơn 8 lần so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu môi giới tăng từ 10 tỷ đồng lên 64 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 30,8 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu 6 tháng đạt 2.569 đồng.