Trước khi dự kiến mua thêm cổ phiếu TC6, TKV nắm giữ khoảng 16.575.000 cổ phiếu TC6, chiếm 51% tổng số cổ phần đang lưu hành của doanh nghiệp này. Như vậy, trong trường hợp thực hiện chào mua công khai thành công, TKV sẽ nắm giữ 65% số cổ phần lưu hành của TC6.
Đánh giá về lời đề nghị trên, toàn bộ 5 thành viên HĐQT của TC6 đều cho rằng TKV là đối tác có tiềm lực tài chính và quan hệ hoạt động kinh doanh tốt với TC6. Do vậy, việc TKV nâng tỷ lệ sở hữu lên 65% tổng số cổ phần đang lưu hành của TC6 sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của công ty. Việc chào mua công khai đã được HĐQT Công ty chấp thuận.
Việc nâng tỷ lệ sở hữu của TKV tại TC6 nằm trong kế hoạch tái cơ cấu Tập đoàn. TKV cho biết, thời gian qua, Tập đoàn đã triển khai kế hoạch thực hiện Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2017 – 2020 theo Quyết định 2006/QĐ-TTg, ngày 12/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Tập đoàn đã hoàn thành việc hợp nhất hai công ty xây dựng mỏ (hầm lò 1 và hầm lò II) thành Công ty Xây lắp mỏ – TKV; sáp nhập Công ty Than Hồng Thái vào Công ty than Uông Bí. Đồng thời, TKV sáp nhập Công ty Kho vận Hòn Gai vào Công ty Tuyển than Hòn Gai. Ngoài ra, Tập đoàn cũng triển khai bước 1 về sắp xếp lao động, tài sản để chuẩn bị chuyển Ban Quản lý dự án than đồng bằng Sông Hồng về trực thuộc Viện Khoa học công nghệ mỏ.
Cùng với đó, Tập đoàn đã ban hành Quyết định số 181/QĐ-TKV, ngày 5/02/2018 về kế hoạch triển khai Đề án tái cơ cấu TKV năm 2018. Theo đó, tiến hành cổ phần hóa 2 đơn vị; sắp xếp, tổ chức lại các chi nhánh trực thuộc công ty mẹ 4 đơn vị; thoái vốn tại 6 công ty con và công ty liên kết.
Ngoài ra TKV bán tiếp cổ phần để đạt tỷ lệ nắm giữ theo phương án cổ phần hóa tại 6 đơn vị, tiếp tục thực hiện việc thoái vốn tại 7 công ty con, công ty liên kết, và tăng tỷ lệ sở hữu đạt tỷ lệ tối thiểu 65% tại 6 công ty sản xuất than.
Đồng thời, Tập đoàn cũng thực hiện việc kiểm kê, phân loại tài sản, xử lý vướng mắc về tài chính; lập phương án xác nhận quyền sử dụng đất.
Đến nay, TKV đã hoàn thành việc thoái vốn tại Công ty VICOSA xuống 20% vốn điều lệ, chấm dứt hoạt động Công ty Khoáng sản Steungtreng, hoàn thành việc tăng tỷ lệ nắm giữ lên 65% vốn điều lệ tại Công ty than Đèo Nai, Công ty than Núi Béo. TKV cũng đã báo cáo Bộ Công Thương xem xét phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa công ty mẹ TKV theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định.
TKV nhận định, việc đổi mới các cơ chế khoán quản trị chi phí, quản lý vật tư, tài chính, tiền lương và thu nhập đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện để các đơn vị chủ động phát huy sản xuất tăng hiệu quả kinh doanh…
Trong báo cáo của Bộ Công Thương về bức tranh ngành khai khoáng Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018, thì đối với ngành than, tính chung 6 tháng, sản lượng than sạch ước đạt 22,42 triệu tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ, trong đó, TKV đạt 19,37 triệu tấn, tăng 10,5% so với cùng kỳ.
Tình hình tiêu thụ của ngành cũng gặp nhiều thuận lợi, lượng tồn kho giảm nhiều so với đầu năm (đến 30/6 tồn kho của Tập đoàn TKV là 6,55 triệu tấn giảm 2,47 triệu tấn so với đầu năm).
Với TC6, nếu tính riêng quý 2, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này tăng 119% so với cùng kỳ. Tổng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 7,2 tỷ đồng, vẫn đạt mức tăng trưởng 22% so với nửa đầu năm ngoái.
Theo kết quả kinh doanh bán niên 2018 đã soát xét của TC6, doanh thu thuần của công ty tăng 246 tỷ so với cùng kỳ đạt 1.596 tỷ đồng. Trong kỳ, công ty ghi nhận chi phí tài chính tăng mạnh từ 22 tỷ lên hơn 35 tỷ đồng – trong đó chi phí lãi vay là hơn 30 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 6,9 tỷ đồng – tăng 1 tỷ so với cùng kỳ.