Liên tục trong hơn một tháng qua, thanh khoản trên hai sàn chứng khoán VN đã về mức rất thấp. Có thể nói là dù áp lực cổ phiếu giải chấp không còn nặng nề như trước 30/6, nhưng thị trường cũng chưa vì thế mà sáng sủa hơn. Khi thị trường “khát”
Dấu hỏi về cổ phiếu còn trong vòng giải chấp vẫn ở phía trước, bởi các tổ chức tín dụng đang phải kéo dư nợ tín dụng phi sản xuất về dưới 16% vào cuối năm nay. Theo một chuyên gia, 9 tổ chức tín dụng bị áp tăng dự trữ bắt buộc gấp đôi do không đáp ứng được lộ trình đề ra của yêu cầu này, cũng sẽ tăng… gấp đôi áp lực thu hồi các khoản nợ chứng khoán, bất động sản. Mặt khác, khi NHNN đã “mở” lối cho các tổ chức tín dụng được dỡ bỏ chế tài trở về nguyên trạng cũ vào bất cứ thời điểm nào nếu đạt tỉ lệ tín dụng dư nợ phi sản xuất ở mức yêu cầu, thì chắc chắn các tổ chức đó sẽ còn ráo riết hơn trong việc giải quyết nốt món nợ phi sản xuất.
Về phía các tài khoản cá nhân, việc thêm tiền lúc này là rất hạn hẹp – trưởng phòng phân tích một Cty chứng khoán (CTCK) cho hay. Theo vị này, trong gần ba tháng qua, hơn 1/4 tài khoản tại nhiều CTCK có hội sở tại TP HCM đã “rơi rụng toàn phần”. Nhiều tài khoản là của các NĐT ủy thác cho CTCK đầu tư, hoặc của chính các môi giới, nhân viên thuộc các định chế trung gian. Đặc biệt, đợt tăng giá ngắn ngủi và bất ngờ của hai sàn vào đầu tháng 6 đã “tiêu nốt” những khoản tiền tích lũy hay vay mượn được của các NĐT muốn “vớt đáy”, khiến họ bị “kẹp hàng” sau đó. Ước vọng cải thiện thanh khoản càng lúc càng lùi xa.
Trong một thị trường “khát nước” thì “nguồn nước” nào cũng quý. Huống gì “nguồn nước” đã rót vào gom mua STB, dựa trên con số “đồn đoán” lẫn ước tính của các chuyên gia, là không hề nhỏ. Ít nhất, nó cũng khuấy động khối lượng lớn giao dịch ở mã cổ phiếu này trong những phiên gần đây.
DN tốt, cổ phiếu rẻ
Nếu xét nguyên lý cơ bản là dòng tiền luôn vận động chảy về chỗ trũng, thì mặc nhiên thông tin có nhóm NĐT gom mua cổ phiếu STB khối lượng lớn được hiểu theo hai nghĩa: cổ phiếu STB đang được nhà đầu tư kỳ vọng cao; và với những DN có triển vọng tốt, thì dòng tiền không bao giờ khước từ. Nhưng, tại sao nhiều DN trên sàn, có triển vọng kinh doanh tốt, các chỉ số đầu tư đều hấp dẫn, mà thị giá vẫn rẻ ? Và, không mấy ai mua ?
Để trả lời câu hỏi đó, có lẽ cần phải nhìn vào kỳ vọng của những… “ông chủ”, và nhìn vào bức tranh kinh tế vĩ mô – cơ sở của kỳ vọng.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa – Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, kinh tế vĩ mô đã qua giai đoạn u ám nhất, khi cả 4 chỉ số cảnh báo sớm là tỉ giá hối đoái, dự trữ ngoại hối, lạm phát và lãi suất đều đang cho thấy dấu hiệu cải thiện so với đầu năm 2011. Hơn thế, Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát và bình ổn kinh tế vĩ mô thông qua hàng loạt quyết định, chủ trương, chính sách. Dù vậy, những quyết tâm của Chính phủ lại cho thấy kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Cộng thêm những thông tin “tiêu cực” đối với TTCK như: Các CTCK chỉ được phép cho vay margin – giao dịch ký quỹ 30% giá trị; Thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân không được miễn toàn bộ; các kênh đầu tư truyền thống khác như vàng bất động sản đang hấp dẫn trở lại…
Trước bức tranh như vậy, dù DN tốt đến mấy, cổ phiếu rẻ tới đâu, các “ông chủ” cũng khó mở hầu bao, một chuyên gia nói. Khi kinh tế vĩ mô chưa cho triển vọng phục hồi bền vững, những yếu tố bất ổn vẫn còn, thì DN, NĐT tổ chức nói chung đều chọn xu thế phòng thủ, bảo toàn vốn, là tất yếu. Và đó là nguyên nhân vì sao thông tin STB được gom mua với khối lượng lớn, ròng rã, lập tức trở thành tiêu điểm. NĐT không chỉ “khát nước”, còn “khát” thông tin hỗ trợ. Họ có quyền nuôi hy vọng, dù với bất kỳ mạch nước mơ hồ nào.