Các đường dây cho vay nặng lãi liên tiếp được phát hiện thời gian gần đây, cho thấy tín dụng đen có dấu hiệu bùng phát trở lại. Theo các chuyên gia kinh tế, muốn xóa bỏ “ung nhọt” này, cần phát triển các kênh tín dụng chính thức, đặc biệt là kênh cho vay tiêu dùng.
70% dân số chưa thể tiếp cận vốn chính thức
Theo báo cáo của Bộ Công an, tình hình tội phạm tín dụng đen diễn biến rất phức tạp. Đơn cử, tại Gia Lai, chỉ trong nửa đầu năm 2018 đã có tới 500 đầu mối cho vay tiền với lãi suất cao; nhiều trường hợp rơi vào cảnh nợ nần, không có khả năng chi trả.
“Tín dụng đen đi liền với tội phạm hình sự. Hầu hết các cơ sở cho vay tín dụng đen đều là cho vay mượn, thế chấp nhà cửa đất đai, tài sản. Nhiều vụ mở giấy cam kết ra thấy như đi cướp ngày” – Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết.
Len lỏi khắp đường làng ngõ xóm, từ nơi đô thị phồn hoa đến các vùng bản sâu cheo leo trên núi, tín dụng đen như vòi bạch tuộc khổng lồ, chặt chỗ này lại mọc lên chỗ khác. Đáng lưu ý, việc sử dụng xã hội đen với thủ đoạn đòi nợ tàn ác đã gây bất an, lo lắng cho người dân, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.
Nhận xét về tình trạng tín dụng đen đang có dấu hiệu gia tăng thời gian gần đây, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng:
“Chúng ta phải thừa nhận một thực tế rất thật là tình trạng hụi họ, tín dụng đen, cho vay nóng… ở nông thôn vẫn còn rất nhiều, chủ yếu là do các kênh tín dụng chính thức chưa vươn tới được. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của một bộ phận người dân có thu nhập trung bình và trung bình thấp là rất lớn. Chính vì nhu cầu vay lớn nên dù dù hàng trăm vụ việc liên quan đến tín dụng đen đã được xử lý hình sự, song tình trạng này vẫn chưa được xử lý dứt điểm”.
Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Hà Huy Tuấn, Phó Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, có nhiều nguyên nhân khiến tín dụng đen nở rộ. Thứ nhất, nhu cầu vay tín dụng đen lớn, thủ tục vay nhanh gọn, đơn giản. Thứ hai, nhiều người phải tìm đến tín dụng để trả nợ ngân hàng. Thứ ba, công nghệ bùng nổ khiến tín dụng đen tiếp cận với người dân dễ dàng hơn.
Đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế cũng cho thấy, tỷ lệ tiếp cận vốn ở Việt Nam còn khá thấp. Cụ thể, theo WB, hơn 70% dân số Việt Nam chưa đủ điều kiện để tiếp cận vốn ngân hàng. Điều này có nghĩa, hàng chục triệu người dân chỉ còn cách tìm đến tín dụng đen khi cần vốn. Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, đẩy lùi tín dụng đen không thể chỉ sử dụng biện pháp hình sự mà còn phải sử dụng biện pháp kinh tế.
Cho vay tiêu dùng đẩy lùi tín dụng đen
“Muốn giải quyết tín dụng đen, giải pháp tận gốc là phải đáp ứng được nhu cầu vốn của người thu nhập thấp, trung bình. Trong đó, phát triển thị trường tài chính tiêu dùng là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất”, TS. Nguyễn Đức Kiên khuyến nghị.
Một thực tế cho thấy, hầu hết những người rơi vào bẫy tín dụng đen đều vay tiền với mục đích tiêu dùng hoặc giải quyết các vấn đề cấp bách.
Theo thống kê của NHNN, thị trường tài chính tiêu dùng đã tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm, đạt quy mô hơn 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng mới chiếm 17% tổng dư nợ nền kinh tế.
Tỷ lệ này, theo các chuyên gia kinh tế, vẫn còn nhỏ bé, mới chỉ bằng một nửa so với nhiều nước trong khu vực. Mặt khác, nếu loại trừ dư nợ bất động sản “ẩn nấp” trong tín dụng tiêu dùng, tỷ lệ này sẽ còn bị co hẹp đáng kể.
Thực tế, quy mô thị trường cho vay tiêu dùng ở nước ta tăng nhanh chóng, song thị phần vẫn chủ yếu nằm tại nhóm ngân hàng thương mại (dư nợ cho vay lớn vì tập trung các món vay lớn như cho vay mua nhà, ô tô…). Trong khi đó, các công ty tài chính tiêu dùng – nhắm tới khách hàng vay tiêu dùng thực- thị phần vẫn khá nhỏ (chỉ là đồ dùng thiết yếu: xe máy, tủ lạnh, máy giặt, điện thoại…) và vẫn còn nhiều dư địa phát triển.
Thực tế, các công ty tài chính tiêu dùng ra đời thời gian qua, chấp nhận cho vay tín chấp, cho vay các món vay nhỏ đã giúp hàng triệu khách hàng “dưới chuẩn” có cơ hội vay vốn từ kênh tín dụng chính thức, giúp họ không bị sa vào tín dụng đen, đồng thời mở ra nhiều cơ hội làm ăn và tiêu dùng cho người dân.
“Tín dụng tiêu dùng còn dư địa rất lớn và đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng sẽ là một trong những trợ lực quan trọng để đẩy lùi được nạn tín dụng đen. Việc phát triển cho vay tiêu dùng là phương án tối ưu để giúp những người nghèo, những người có điểm tín dụng thấp được tiếp cận nguồn vốn chính thống và được pháp luật bảo vệ. Một trong những mô hình tốt hiện nay là các công ty tài chính. Thông qua những công ty này, khách hàng có cơ hội được tiếp cận vốn dễ dàng hơn, và quan trọng là những công ty này có hành lang pháp lý để hoạt động”, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhận định.