“Siết” sớm
Phụ trách nguồn vốn một nhà băng cho biết, mới hết tháng 5 nhưng chỉ tiêu tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao trong năm nay của ngân hàng là 14% nay đã dùng tới hơn 10%. Trong khi nguồn vốn huy động rẻ của ngân hàng này khá dồi dào và việc không cho vay được ra vì sắp “hết room” khiến ban lãnh đạo ngân hàng đứng ngồi không yên.
Điều mong mỏi của nhà băng này đó là được “nới” chỉ tiêu tín dụng trong thời gian tới vì hiện cả hệ thống hàng ngàn con người trông khá nhiều vào nguồn thu từ tín dụng. “Nay vốn có mà không cho vay ra được, chúng tôi rất sốt ruột”, vị lãnh đạo này nói.
Trò chuyện, trưởng phòng khách hàng cá nhân của một ngân hàng lớn cũng chia sẻ từ vài tháng nay, phòng khách hàng cá nhân bên anh phải từ chối rất nhiều trường hợp muốn vay tiền mua đất lô nền hoặc nhà chung cư với ý định kinh doanh bất động sản. “Hiện cho vay mua nhà để ở hoặc để sửa chữa nhà ở thì được. Còn với tín dụng kinh doanh bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo và chủ trương thắt chặt, chúng tôi không dám vượt rào. Vì nếu biết, thanh tra sẽ xử phạt nặng”, vị cán bộ kể.
Tính đến cuối năm 2017, tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt 18,1%. Trong đó, các khoản vay cho sản xuất thương mại, công nghiệp và dịch vụ đã có mức tăng đáng kể so với năm 2016. Tuy nhiên, tăng mạnh nhất phải kể đến tín dụng tiêu dùng. Trong đó, quá nửa các khoản vay phục vụ cho mục đích mua nhà, sửa chữa nhà để ở.
Khi đó, các chuyên gia đều bình luận cho rằng đây là tín hiệu tích cực, theo đúng xu thế trong trung hạn khi Việt Nam đã đạt mức thu nhập trung bình. Và tín dụng tiêu dùng và tín dụng cho bất động sản của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước tương tự. Các chuyên gia cũng dự báo năm tới, dự báo tăng trưởng tín dụng tiếp tục tăng ở mức 18 – 19%, thậm chí là 20% thì vẫn ở mức an toàn.
Đáng lưu ý, tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng trưởng cao. Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ước tăng khoảng 59% so với cuối năm 2016. Trong đó, cho vay phục vụ nhu cầu mua nhà để ở; thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng, sửa chữa nhà ở; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở chiếm tỷ trọng 52,9%.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước, tín dụng tăng ngay những tháng đầu năm và cơ cấu tín dụng đã hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực
ưu tiên.
Tuy nhiên, tính đến 31/05/2018, tín dụng chỉ tăng 6.16% so với cuối năm 2017, đạt khoảng 6.7 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng cho vay nông lâm thủy sản tăng 6.8%, cho vay công nghiệp – xây dựng tăng 6.83%, cho vay dịch vụ thương mại tăng 5.7%, cho vay doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 6.29%, lĩnh vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2.61%… Hiện tỷ trọng cho vay bất động sản giảm còn 6,5% tổng dư nợ. Vốn cho các dự án BOT, BT giao thông cũng tăng chậm hơn, còn 7,4%, giảm một nửa so với trước.
Tránh tăng trưởng nóng
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến năm 2017, tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 471.022 tỷ đồng (hơn 21 tỷ USD). Trong đó, 3 lĩnh vực có dư nợ tín dụng lớn nhất là cho vay đầu tư, kinh doanh các dự án xây dựng khu đô thị, phát triển nhà ở đạt 102.413 tỷ đồng, cho vay xây dựng, sửa chữa và mua nhà để ở, nhà để ở kết hợp với cho thuê được khách hàng trả nợ bằng các nguồn thu nhập không phải là tiền lương, tiền công đạt 100.083 tỷ đồng; cho vay kinh doanh khác đạt 112.561 tỷ đồng.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Hùng cho rằng việc các ngân hàng thương mại “kêu” room tín dụng thấp và thắt chặt là không đúng. “NHNN đã định hướng và giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các ngân hàng khá rõ ràng và căn cứ vào tình hình sức khỏe từng nhà băng. Điều NHNN muốn đó là các ngân hàng phải hướng tín dụng vào 5 lĩnh vực vực ưu tiên chứ không thể để các ông ấy chỉ đầu tư vào cho vay hay xoay quanh bất động sản. Đã kiểm soát thì không thể nửa vời”, ông Hùng khẳng định.
Trước tốc độ tăng trưởng tín dụng đã chững lại, cùng kỳ năm 2017, ông Hùng chia sẻ: sở dĩ tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại vì việc điều hành tín dụng phải phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đặc biệt là đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. “Năm nay dự kiến tín dụng sẽ tăng có thể cao hơn năm ngoái chút nhưng tuỳ vào tình hình thực tế, có thể ở mức 15%, còn tối đa là 17% nhưng rất khó”. Ông Hùng nói.
Theo NHNN, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và GDP tăng trưởng mạnh tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản năm nay đã phần nào tác động lên tăng trưởng đối với dư nợ tín dụng nhà, đất. Diễn biến này cần thiết phải có biện pháp kiểm soát để hạn chế rủi ro nợ xấu. Đây là lý do khiến ngay từ đầu năm Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng có văn bản trực tiếp chỉ đạo các tổ chức tín dụng khi cho vay tín dụng bất động sản phải kiểm soát chặt chẽ khoản vay và tập trung vào phân khúc bất động sản nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp, tránh dồn tín dụng và kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực tăng trưởng nóng.