Nhiều ngân hàng sắp cạn hạn mức (room) tín dụng trong năm 2018
Kết quả này có lẽ sẽ làm hài lòng các cơ quan quản lý nhà nước, mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Bởi mục tiêu của cơ quan này là kiểm soát tăng trưởng tín dụng trong năm 2018 ở mức 17%, thấp hơn so với con số 18,2% của cả năm 2017(2).
Để có thể đạt được mục tiêu này trong năm 2018, cũng như mọi năm, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng. Tuy nhiên, đáng chú ý là mức tăng trưởng tín dụng tối đa mà NHNN giao cho các ngân hàng chỉ là 14%, thấp hơn khá nhiều so với con số của cùng kỳ các năm trước và thấp hơn nhiều so với mục tiêu chung của toàn ngành là 17%.
Số liệu đến hết tháng 6-2018 cho thấy nhóm các ngân hàng tốp đầu đã và đang dần cạn room tín dụng được cấp từ đầu năm. Thậm chí, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng TPBank đã ở mức 16%, trong khi hàng loạt ngân hàng khác có mức tăng từ 9-12%. Như vậy, có thể câu chuyện mà lâu nay vẫn diễn ra sẽ lặp lại, đó là các ngân hàng lại lần lượt làm đơn xin thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Nếu NHNN không nới thêm room hoặc nới rất ít cho các ngân hàng thì có lẽ nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ không biết phải làm gì trong sáu tháng còn lại của năm 2018. Theo tính toán của tác giả, với hạn mức được cấp từ đầu năm ở mức 14% thì nhiều ngân hàng chỉ có thể giải ngân thêm vài ngàn tỉ đồng cho sáu tháng tới, ngoại trừ trường hợp của Vietcombank và Techcombank. Trong khi đó, toàn hệ thống cũng chỉ giải ngân thêm được khoảng 397.000 tỉ đồng.
Có nên tiếp tục duy trì cơ chế xin – cho room tín dụng?
Liệu NHNN có nới room cho một số ngân hàng hay không? Câu trả lời mà nhiều bạn đọc có lẽ cũng dễ hình dung ra là có. Tuy nhiên, số lượng các ngân hàng được tăng và mức tăng là bao nhiêu sẽ tùy thuộc vào chất lượng tín dụng của từng ngân hàng và quan trọng hơn là phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP).
Như chúng ta đều biết rằng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Nguyên nhân chính là do xuất phát điểm của nền kinh tế ở mức thấp, tích lũy vốn của tất cả các chủ thể của nền kinh tế đều rất ít. Do vậy, mọi nguồn vốn cả ngắn, trung và dài hạn phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp gần như đều phải dựa phần lớn vào ngân hàng.
Tuy nhiên, năm nay tình hình thực tế có vẻ đã khác và theo chiều hướng tích cực hơn so với các năm trước. Đó là, mặc dù tín dụng tăng trưởng thấp hơn nhưng tăng trưởng kinh tế lại ở mức cao hơn. Kết quả này có được là do chúng ta đã và đang thu hút được một khối lượng vốn rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018. Do vậy mà nhu cầu vốn từ hệ thống ngân hàng có xu hướng giảm xuống. Đây cũng là mục tiêu dài hạn trong điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Theo đó, nguồn vốn dài hạn sẽ được huy động trên thị trường vốn, mà cụ thể là thị trường chứng khoán. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng hay thị trường tiền tệ sẽ chỉ có nhiệm vụ cung ứng nguồn vốn ngắn hạn cho nền kinh tế.
Như vậy, câu chuyện nới room tín dụng bây giờ có lẽ sẽ phụ thuộc chính vào khả năng kiểm soát chất lượng của từng ngân hàng. Mặc dù vậy, đến đây tác giả lại tự đặt ra câu hỏi rằng tại sao NHNN vẫn duy trì cơ chế cấp tín dụng cho các ngân hàng trong nhiều năm qua. Đồng ý là trong những năm đầu của quá trình tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD, để đảm bảo sự ổn định thì cần thiết phải có giới hạn này. Tuy nhiên, hiện tại đã là năm thứ sáu kể từ khi Quyết định 254/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống TCTD được triển khai mà NHNN vẫn phải duy trì cơ chế quản lý cũ.
Thông lệ quốc tế cho thấy các ngân hàng trung ương (NHTƯ) gần như không áp dụng các giới hạn mang tính hành chính mà chủ yếu tập trung kiểm soát chỉ tiêu về an toàn vốn (CAR-Capital Adequacy Ratio). Theo đó, hiểu một các đơn giản thì các ngân hàng sẽ tự quyết định cho vay bao nhiêu, cho ai vay và cho vay lĩnh vực gì miễn là đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Khi đó, những ngân hàng có CAR thấp sẽ tự phải có sự lựa chọn: hoặc phải duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức thấp hoặc phải cho vay vào những ngành nghề mà có hệ số rủi ro thấp hơn so với các lĩnh vực có rủi ro rất cao như đầu tư chứng khoán, kinh doanh bất động sản hay tín dụng tiêu dùng…
Nhiều ngân hàng có lẽ cũng sẽ không dám xin thêm room tín dụng
Theo nhận định của khá nhiều chuyên gia kinh tế thì NHNN sẽ khắt khe hơn nhiều trong việc cấp thêm chỉ tiêu tín dụng cho các ngân hàng trong năm 2018. Bên cạnh nguyên nhân tín dụng đã ít phải gánh trọng trách hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế thì còn có một nguyên nhân khác là kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy tăng trưởng tín dụng và lạm phát tại Việt Nam có mối tương quan khá chặt chẽ. Bóng ma lạm phát đang có xu hướng quay trở lại trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của riêng tác giả thì có lẽ cũng sẽ không có nhiều ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ, xin thêm chỉ tiêu tín dụng. Nguyên nhân là do Thông tư số 19/2017 của NHNN có hiệu lực từ ngày 12-2-2018 yêu cầu tất cả các ngân hàng phải giảm 25% vốn tự có cấp 2 (Tier 2) trong năm 2018, tiếp tục là 50% trong năm 2019 và 100% vào năm 2021. Lưu ý rằng đây là các khoản vốn cấp 2 mà các ngân hàng phát hành cho nhau. Theo đó, CAR của nhiều ngân hàng đã sụt giảm nhanh chóng. CAR của VietinBank ở mức 10% vào cuối năm 2017 đã giảm xuống còn 9,5% tính tới thời điểm 31-3-2018, hay CAR của VPBank cũng đã giảm từ 14,6% xuống còn 13,2% tính tới thời điểm 30-6-2018.
Do vậy, thời điểm hiện tại thì nhiều ngân hàng sẽ quan tâm nhiều đến vấn đề an toàn vốn hơn là vấn đề tăng trưởng tín dụng. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn ảm đạm như hiện nay thì các ngân hàng sẽ rất khó để huy động thêm được nguồn vốn tự có cấp 1 (Tier 1). Vì vậy, câu chuyện về chất lượng tín dụng sẽ được ưu tiên hơn so với số lượng. Theo đó, nhiều ngân hàng phải điều chỉnh cơ cấu cho vay theo hướng tập trung vào các lĩnh vực có hệ số rủi ro thấp hơn.