Tại Vietcombank (VCB), tín dụng 6 tháng đầu năm 2018 tăng trên 11%, thấp hơn mức 13,1% của cùng kỳ năm 2017, nhưng thu nhập lãi thuần vẫn đạt gần 13.000 tỷ đồng, cao hơn so với con số 11.000 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Hệ số NIM của VCB tiếp tục được cải thiện nhờ các khoản cho vay khách hàng cá nhân tăng trưởng và chiến lược tăng tỷ lệ cho vay trên huy động.
Tương tự, hoạt động cho vay khách hàng 2 quý đầu năm 2018 của OCB tăng trưởng 12,2%, thấp hơn mức 13,5% của cùng kỳ năm 2017. Thế nhưng, nhờ đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ và kiểm soát được chất lượng tín dụng, OCB vẫn đạt hơn 1.302 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm nay, tăng tới 163,5% so với cùng kỳ năm trước.
Quy mô dư nợ cho vay cá nhân của VIB thuộc nhóm cao trong số các ngân hàng thương mại cổ phần. Riêng vốn giải ngân mới cho vay mua ô tô trong 6 tháng đầu năm 2018 của VIB chiếm khoảng 30% tổng vốn tín dụng dành cho hoạt động cho vay mua ô tô trên thị trường; tăng trưởng cho vay mua nhà cá nhân tăng trưởng 78%… Theo đó, lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2018 của VIB đạt 1.151 tỷ đồng, tăng 201% so với cùng kỳ năm 2017.
VPBank cho biết, kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng đạt 12.186 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 4.375 tỷ đồng, tăng trưởng 34%. Trong đó, lợi nhuận từ FE Credit đóng góp 36%. Những năm qua, FE Credit được coi là “máy in tiền” của VPBank khi lợi nhuận của công ty tài chính này thường chiếm khoảng 50% tổng lợi nhuận của VPBank hợp nhất. NIM hợp nhất và riêng lẻ nửa đầu năm của VPBank lần lượt đạt 9% và 4,8% (năm 2017 tỷ lệ này là 8,8% và 4,6%).
MB cũng thông báo mức thu nhập lãi thuần 2 quý đầu năm 218 tăng trưởng cao 32,3%, đạt 6.797 tỷ đồng. Cho vay khách hàng cá nhân tăng trưởng 17,3%, đạt 70.513 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ NIM nửa đầu năm 2018 của MB tăng 0,35% so với cùng kỳ 2017, đạt 4,65%.
Hiện tại, tỷ lệ NIM của hệ thống ngân hàng Việt Nam ở mức 3%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Indonesia (5,82%), Philippines (3,58%)… Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng, thị trường tài chính tiêu dùng phát triển là cơ hội để các ngân hàng Việt cải thiện hệ số NIM. Triển khai tín dụng tiêu dùng tuy có chi phí cao, nhưng bù lại, mức lãi suất của các món vay nhỏ lẻ thường cao hơn cho vay doanh nghiệp 3-4%/năm, nên vẫn đóng góp tích cực vào lợi nhuận.
Lâu nay, các ngân hàng thương mại trong nước đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, nhưng thị trường tín dụng tiêu dùng chỉ thực sự phát triển và cạnh tranh trong một vài năm gần đây khi có nhiều hơn các công ty tài chính tham gia.
Với HD Saison, HDBank kỳ vọng, đây cũng sẽ là “con gà đẻ trứng vàng” như trường hợp của FE Credit tại VPBank. Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây, hoạt động của HD Saison đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc và đóng góp đáng kể vào lợi nhuận chung của Ngân hàng mẹ. Kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, HDBank đạt hơn 2.000 tỷ đồng trước thuế, trong đó HD
Saison đóng góp 20%, tương đương hơn 400 tỷ đồng. Theo dự tính của HDBank, lợi nhuận trước thuế năm 2018 của HD Saison sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, đóng góp 25% trong tổng lợi nhuận của Ngân hàng (4.000 tỷ đồng).
Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng không chỉ mở ra cơ hội cho các ngân hàng hay công ty tài chính, mà còn đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân, cũng như sự phát triển của nền kinh tế. Cho vay tiêu dùng được dự báo còn tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới, với tốc độ tăng trưởng bình quân 30-35%/năm. Đây cũng là lý do vì sao thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam nói chung và các công ty tài chính nói riêng nằm trong “tầm ngắm” của nhà đầu tư ngoại. Thời gian qua, nhiều thương vụ mua lại công ty tài chính Việt được thực hiện bởi các tổ chức nước ngoài như Lotte Card mua lại TechcomFinance của Techcombank, Shinsei mua 49% cổ phần Mcredit của MB…
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 7,88%, thấp hơn con số cùng kỳ của 2 năm gần nhất 2016 và 2017 là 8,2% và 9,06%. Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP.HCM cho biết, do lo ngại ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã thắt chặt tín dụng nên bình quân tăng trưởng hàng năm trong các giai đoạn 2008-2009 và 2013-2014 được khống chế ở mức 8-10%. 3 năm trở lại đây, cơ chế tín dụng đã linh hoạt hơn, nên tăng trưởng tín dụng bình quân hàng năm được nâng lên 17-18%. Năm 2018, sức ép tăng trưởng tín dụng tuy giảm, nhưng mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra vẫn ở mức 17% để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.