Phát biểu tại Diễn đàn Thị trường vốn – tài chính ngày 21/8, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng tình với các đại biểu khi cho rằng tái cấu trúc thị trường tài chính gắn liền với ứng dụng các thành quả của kinh tế số, cần ưu tiên xây dựng hệ sinh thái cho sự phát triển của nền kinh tế số trước khi xây dựng khung khổ quản lý; phát triển mạnh các dịch vụ tài chính vi mô, Fintech, cho thuê tài chính,…
Đối với nguồn huy động vốn từ “tín dụng đen”, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ xoá bỏ các hình thức huy động đa cấp có tính chất lừa đảo, cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, Chính phủ mong muốn được nghe nhiều hơn các kinh nghiệm vận hành, quản lý “tín dụng phi chính thức” của các quốc gia, nền kinh tế khác trên thế giới để đa dạng các nguồn cung cấp vốn cho nền kinh tế.
Nhiều DN “cầu cứu” tín dụng đen
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết vốn cung ứng cho nền kinh tế vẫn chủ yếu dựa vào các tổ chức tín dụng. Trong đó, tỷ lệ tín dụng chiếm khoảng 130% GDP, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) chiếm 1,25% GDP và trái phiếu Chính phủ (TPCP) là 20% GDP.
Tuy nhiên, các ngân hàng đang phải chịu những áp lực nhất định do nguồn vốn chủ yếu vẫn là ngắn hạn, còn vốn dài hạn tương đối mỏng, khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế còn hạn chế. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp (DN) đã phải “cầu cứu” tín dụng đen.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng phát triển thị trường vốn hiện nay mới giải quyết được nguồn vốn cho DN lớn và có quy mô trung bình. Những doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNNVV) vẫn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn và buộc phải sử dụng đến nguồn “tín dụng đen”.
Với kinh nghiệm tham gia cấu trúc nhiều DN, ông Nguyễn Kim Hùng – Giám đốc Công ty CP tái cấu trúc doanh nghiệp Việt, khẳng định, với các DN khởi nghiệp, vốn thực chỉ chiếm 20- 30%, còn lại là liên kết tài chính giữa gia đình, bạn bè, anh chị em.
Theo vị giám đốc này, việc tiếp cận vốn từ ngân hàng, công ty tài chính của nhóm DN này gặp nhiều khó khăn, tiếp cận với nguồn vốn từ quỹ mà Nhà nước đang khuyến khích cũng rất xa vời, còn TPCP không thể tiếp cận được. Đây chính là lý do buộc các DNNVV phải sử dụng đến nguồn vốn không chính thức hay gọi là “tín dụng đen”.
“Thậm chí có tới 60% tổng vốn sản xuất kinh doanh của một số DNNVV là vốn từ tín dụng đen”, ông Hùng thổ lộ.
Hầu hết các chuyên gia đều khẳng định, quỹ “tín dụng đen” tồn tại theo nhu cầu của người dân, hình thức vay khá nhanh gọn, không vướng điều kiện chặt chẽ như của ngân hàng, giúp DN dễ dàng khơi thông nguồn vốn.
Trong khi đó, người có vốn không muốn gửi ngân hàng vì cho vay bên ngoài lãi suất cao. “Vì vậy, có tình trạng dùng nguồn vay từ “tín dụng đen” trả nợ ngân hàng”, một chuyên gia cho hay.
Dưới một góc độ khác, ông Nguyễn Kim Hùng cho rằng cộng đồng DN tư nhân cũng có thể góp phần hạn chế tín dụng tín dụng đen. “Các DN này không ngần ngại đầu tư. Có những sàn của DN tư nhân có thể kết nối và thu hút 35.000 tỷ đồng trong 6 tháng. Nếu có cơ chế, khung pháp lý, nền tảng cho các DN sử dụng công nghệ, các DN tư nhân sẵn sàng tham gia các giải pháp về vốn và có thể có lượng tiền lớn. Ngay cả các startup cũng có thể IPO trên nền tảng số.
Tín dụng phi chính thức?
Nhận định về hoạt động tín dụng đen, ông Hà Huy Tuấn – Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC), cho rằng quỹ tín dụng đen không hoàn toàn xấu, vấn đề là phải suy nghĩ về giải pháp.
Phó Chủ tịch NFSC cho rằng có hai cách tiếp cận với tình trạng này, đó là làm sao hợp thức hoá được, cơ quan thuế cần có bằng chứng ở mức độ hợp lý. Như ở nhiều nước, họ phải tính toán một tỷ lệ nào đó phù hợp. Thứ hai, chúng ta phải nghiên cứu sử dụng dịch vụ về thuế, đơn cử thuế tư nhân… để giải trình hợp lý.
Vấn đề nữa là kiểm soát những sản phẩm mới, chúng ta không nên gò bó nhưng cũng phải kiểm soát và khuyến khích. Cơ quan quản lý cần truyền thông tích cực để người dân thấy được tính hai mặt của loại hình tín dụng này, đồng thời tố cáo những hình thức bẫy mang thuần tính lừa đảo.
Đồng tình với quan điểm của ông Tuấn, ông Hùng mong muốn bằng cách nào đó, Chính phủ có thể hợp thức hóa “tín dụng phi chính thức” bằng một khung pháp lý để giúp các DNNVV có thể tiếp cận nguồn vốn này một cách hợp lệ, bởi chi phí sử dụng vốn lên đến trên 10% nhưng chưa được hoạch định vào chi phí hợp lệ.
“Cộng đồng DNNVV thay đổi nhanh, phải thích ứng với thị trường nhưng lại chưa có hành lang pháp lý để xác định giá trị thực của hàng hóa. Họ buộc phải tính toán để có thể hợp lý hóa những khoản vốn này”, ông Hùng nói.
Ông Warrick Cleine – Chủ tịch kiêm CEO KPMG tại Việt Nam và Campuchia, cũng khẳng định tín dụng đen không hoàn toàn là xấu, vì nó tạo điều kiện dễ dàng cho người cần vay tiền. Tuy nhiên, chúng ta cần có chính sách để kiểm soát thị trường này một cách hiệu quả.
“Câu hỏi đặt ra ở đây là phải thể chế hóa, chính thức hóa những “tín dụng phi chính thức” như thế nào, cần đưa vào khuôn khổ ra sao để điều tiết thị trường này”, ông Warrick Cleine nhấn mạnh.