Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm đã tăng 3,29% so với cùng kỳ, và xu hướng là tăng qua từng tháng trong thời gian qua, thì điều hành chính sách tiền tệ, trong đó có tăng trưởng tín dụng, cần được cân nhắc.
Trao đổi với phóng viên thoibaonganhang.vn sáng 10/7, lãnh đạo một vụ chức năng cho biết, con số tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 6 đạt quanh mức 7%.
Nhìn vào con số trên, có thể thấy đây là mức tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm từ 2015 đến nay. Theo đó, lần lượt 6 tháng đầu năm của 2015 là 7,86%; 2016 là 8,16% và 2017 là 7,54%.
Một điều dễ nhận thấy với các chỉ số kinh tế nói chung và lĩnh vực chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nói riêng đã có sự thay đổi so với trước. Và cũng không còn “lập trình” là cứ quý sau phải cao hơn quý trước và năm sau cao hơn năm trước.
Đơn cử như với GDP của 2 quý đầu năm nay 2018, quý I tăng 7,45% và quý II tăng 6,79%, trong khi con số này vài ba năm trước thường quý sau cao hơn quý trước, trong cùng năm.
Với tăng trưởng tín dụng, đã có những thời điểm con số này được đưa ra so sánh sự hiệu quả và lượng vốn đưa ra nền kinh tế với GDP, như tín dụng thường phải tăng từ 1,5 lần hoặc 2 lần so với con số GDP.
Nhưng có lẽ đến nay sự so sánh này chỉ mang tính tương đối. Theo như PGS-TS. Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng chia sẻ, thì quan trọng là hiệu quả của dòng vốn tín dụng. Gần đây, tín dụng tăng thấp nhưng GDP ở mức khá cao cho thấy chất lượng tín dụng ngày càng cải thiện.
Thước đo nữa là khi những năm trước dòng vốn ngân hàng được các doanh nghiệp vay đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất nay đã tạo ra giá trị gia tăng, tạo việc làm cho người lao động. Nói cách khác, nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã được đầu tư nhiều năm trước và nay những thành quả trong sản xuất, kinh doanh đã được đóng góp vào GDP.
Trong đó, mới đây một số liệu đã minh chứng “điểm sáng” quan trọng nhất là công nghiệp chế biến chế tạo tăng tới 12,7% trong 6 tháng đầu năm, mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm.
Bên cạnh đó, tín dụng ngân hàng cũng đang được điều hành cùng với các công cụ chính sách tiền tệ khác, trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tín dụng.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, cơ cấu tín dụng 6 tháng đầu năm tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực ưu tiên, như tín dụng công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,7%, chiếm tỷ trọng 6,3% tổng tín dụng nền kinh tế; nông nghiệp nông thôn 7,2%, chiếm tỷ trọng 21%; doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng trên 3%, chiếm tỷ trọng gần 21% tổng dư nợ.
Trong khi đó, tín dụng các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro tăng thấp, như tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản chỉ tăng khoảng 3,7%.
Con số định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2018 được Ngân hàng Nhà nước đưa ra từ đầu năm là khoảng 17%. Theo các chuyên gia tài chính – ngân hàng và lãnh đạo một số ngân hàng thương mại thì mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, con số này cũng mang tính định hướng, chứ không phải con số tuyệt đối.
Nhớ lại năm 2017, con số định hướng tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước đưa ra ở mức 18%, sau đó khoảng nửa cuối năm Chính phủ muốn định hướng này lên mức khoảng 21-22% để hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế. Khi đó, một thành viên Chính phủ cho rằng, Chính phủ định hướng có thể điều hành tăng trưởng tín dụng 20-21% nhưng mức đó có đạt hay không tùy vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Và kết thúc năm 2017, con số tăng trưởng tín dụng đạt mức 18,17%.
Năm nay, đến thời điểm này những diễn biến kinh tế vĩ mô đang cho thấy nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm. Trong đó, chính sách tiền tệ đang ở vào giai đoạn then chốt với điều hành tín dụng và tỷ giá. Chính phủ cũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, mục tiều điều hành của Ngân hàng Nhà nước với tín dụng năm nay là tăng tối đa 17%. Tuy nhiên, tín dụng còn phụ thuộc vào sự hấp thụ nền kinh tế, còn liên quan tới ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá… Do đó, chính sách tín dụng sẽ vẫn phải hài hòa các mục tiêu trên.