Giá cổ phiếu liên tục sụt giảm trong khi nhiều tổ chức tuyên bố bán chứng khoán để rút khỏi thị trường. Trước hiện tượng này, một số quan điểm cho rằng, tiền rút khỏi thị trường chứng khoán sẽ khiến cho dòng vốn đổ vào ngân hàng dồi dào hơn. Thực tế diễn ra không hẳn như vậy.
Hiện tượng thoái vốn
Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã mất khoảng 15%, còn HNX-Index mất gần 40%. Giá của hầu hết các cổ phiếu trên sàn đều giảm rất mạnh. Theo đó, giá trị thị trường của các cổ phiếu cũng bốc hơi một cách tương ứng. Theo thống kê, vốn hóa toàn thị trường trên HSX hiện nay đã giảm hơn 6% so với hồi đầu năm.
Tuy nhiên, giá trị thị trường của cổ phiếu giảm không đồng nghĩa với việc từng đó tiền bị rút ra khỏi thị trường. Từ đầu năm đến nay lượng tiền rút ra khỏi thị trường không đáng kể, chỉ tương đương với sự thay đổi tại giá trị trung bình của cổ phiếu trong vài phiên giao dịch vào hai thời điểm đầu và cuối trong khoảng thời gian tính toán.
Chẳng hạn, trong một ngày giao dịch, lượng tiền vào thị trường chính bằng lượng tiền ra khỏi thị trường. Đến ngày giao dịch thứ 2, nếu giá cổ phiếu sụt giảm, lượng tiền rút ra khỏi thị trường đúng bằng chênh lệch giá thị trường của những cổ phiếu giao dịch giữa 2 phiên.
Gần đây, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khá mạnh ở nhiều mã cổ phiếu với tổng cộng 720 tỷ đồng, mua ròng 750 tỷ đồng cổ phiếu Vinamilk (VNM).
Tính từ đầu năm đến nay, khối ngoại vẫn mua ròng gần 3.600 tỷ đồng trên cả hai sàn. Điều này đồng nghĩa với việc có 3.600 tỷ đồng từ nhà đầu tư nội đã rút khỏi thị trường chứng khoán trong hơn 6 tháng vừa qua. Trong khi đó, năm 2010 khối ngoại cũng đã mua ròng trên thị trường chứng khoán hơn 16.000 tỷ đồng.
Nhìn lại danh mục của nhiều công ty chứng khoán lớn, chúng ta cũng thấy tiền mặt vẫn chiếm một tỷ lệ khá cao. Chẳng hạn, theo báo cáo tài chính quý 1-2011, Công ty Chứng khoán Kim Long (KLS) đang có hơn 1.888 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán Hồ Chí Minh (HCM) là 820 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) có 1.642 tỷ đồng.
Theo số liệu từ HSX, trong vòng 1 tháng trở lại đây, bộ phận tự doanh của các công ty chứng khoán bán ròng hơn 300 tỷ đồng trên HSX. Tuy nhiên, việc các công ty chứng khoán bán ròng mạnh trong thời gian gần đây có thể là một hiện tượng “đảo hàng” hơn là việc rút tiền khỏi thị trường.
Chẳng hạn, SSI mới đây đã chuyển số lượng lớn cổ phiếu trong danh mục đầu tư của mình sang Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI. Việc chuyển đổi danh mục này được thể hiện qua giao dịch thỏa thuận.
Không chỉ các công ty chứng khoán rút tiền mà sức ép giảm thoái vốn, giảm tỷ lệ sở hữu cũng diễn ra với các doanh nghiệp và tổ chức tài chính khác.
Vừa qua, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VCG) quyết định bán 1,2 triệu cổ phiếu cho Công ty cổ phần Xây dựng số 21 (V21).
Công ty TNHH MTV Quản lý Quỹ ACB đã thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư với 16,6% vốn góp tại Công ty cổ phần Beton 6 (BT6).
Một quỹ nước ngoài có tên KITMC Worldwide Vietnam RSP Balanced Fund cũng vừa thông báo thoái hết 5,1% vốn điều lệ Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu y tế Domesco (DMC) để cơ cấu danh mục đầu tư.
Tiền đi về đâu?
Có ý kiến cho rằng, lượng vốn sau khi rút ra khỏi thị trường chứng khoán sẽ chảy vào ngân hàng bởi sự hấp dẫn của lãi suất. Theo quan điểm này, mặc dù lãi suất hiện nay có xu hướng giảm nhẹ nhưng vẫn còn cao so với mức lợi nhuận thu được từ đầu tư chứng khoán hay bất động sản. Tuy nhiên, rút ra khỏi thị trường chứng khoán và chảy vào ngân hàng hay không vẫn chưa có biểu hiện rõ ràng. Ngoài ra, lượng tiền này liệu có đủ lớn để tác động lên hệ thống ngân hàng?
Trong thời gian qua, thị trường chứng khoán đã giảm rất mạnh, giá trị giao dịch toàn thị trường cũng chỉ dưới 500 tỷ đồng/phiên, hiếm hoi mới có phiên từ 800 – 1.000 tỷ đồng. Do vậy, với thanh khoản hiện nay, muốn rút một lượng tiền lớn ra khỏi thị trường cũng không hề dễ dàng. Việc rút tiền chỉ có thể diễn ra ở một nhóm cá nhân hay tổ chức nào đó chứ không thể diễn ra trên toàn thị trường.
Các ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, công ty chứng khoán bán cổ phiếu và thu lại tiền mặt thì đồng nghĩa với việc một đối tượng nào đó phải bỏ tiền mặt ra để mua cổ phiếu. Do vậy, thực tế lượng tiền trên toàn bộ thị trường là không đổi mà chỉ chuyển từ nơi này sang nơi khác.
Tuy nhiên, tính từ đầu năm 2010 đến thời điểm hiện nay, khối ngoại đã mua ròng gần 20.000 tỷ đồng, tương ứng với giá trị mà nhà đầu tư nội đã rút khỏi thị trường. Một phần không nhỏ của con số này chuyển từ nhà đầu tư nước ngoài vào nhà đầu tư nội và có thể được gửi vào các ngân hàng. Dù vậy, con số này cũng không phải là lớn so với tổng vốn huy động trong nền kinh tế.
Báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, huy động vốn trong 6 tháng đầu năm (tính đến ngày 10-6) hệ thống ngân hàng chỉ tăng 2,37%, tương đương với gần 80.000 tỷ đồng. Trong đó huy động vốn bằng VND tăng 1,15%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 8,89%. Như vậy, có thể thấy số tiền rút ra từ thị trường chứng khoán trong thời gian qua nếu gửi vào ngân hàng chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong tổng tín dụng của nền kinh tế.