Tiền chạy đi đâu?
Liên tiếp các phiên trong tuần, lượng vốn giao dịch trên cả hai sàn đều sụt giảm nghiêm trọng. Bình thường của một chu kỳ điều chỉnh, thanh khoản thấp được xem là tích cực vì ít người muốn bán rẻ. Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh thị trường vừa trải qua một thời gian giao dịch khá dài với khối lượng lớn, trong đó rất nhiều mã đã tăng 30-50% thì nguy cơ cũng không nhỏ.
Ẩn số là bản chất của sóng tăng cuối tháng 5, đầu tháng 6 có phải dựa trên các yếu tố cơ bản hay không. Xét về thông tin, cũng có sự hỗ trợ đáng kể từ tín hiệu giảm dần của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và khả năng thực hiện tốt chỉ thị giảm tỉ lệ dư nợ phi sản xuất của các ngân hàng. Tuy nhiên, về triển vọng kinh tế, vẫn chưa thấy những tín hiệu rõ ràng về lãi suất, cung tiền cũng như triển vọng còn quá u ám về kết quả kinh doanh bán niên của doanh nghiệp niêm yết.
Yếu tố cơ bản chưa thực sự ủng hộ cho một sóng tăng bền vững cũng được chứng thực bởi dòng tiền vào chủ yếu là đầu cơ. Các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất cũng chính là các mã có truyền thống đầu cơ mạnh, bỏ qua các phân tích cơ bản. Dòng vốn nóng vào nhanh thì cũng có thể rút đi nhanh, kết hợp với nhu cầu thoát hàng lớn của các tổ chức để trả lại vốn vay.
Trong hai tuần giữa tháng 6, tức là tại đỉnh của sóng hồi, hơn 13.000 tỷ đồng được rút ra khỏi thị trường. Một phần dĩ nhiên vẫn nằm lại tài khoản của giới đầu cơ, nhưng không loại trừ một phần lớn quay trở lại ngân hàng. Với một lượng vốn lớn thoát ra như vậy, không khó đoán về khả năng suy giảm trở lại vì dòng tiền trở nên yếu đi nhiều.
Bất ổn vẫn còn
Sau những thông tin hỗ trợ liên quan đến CPI, thị trường lại đón nhận nhiều tin xấu hé lộ. Mặc dù số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy toàn hệ thống, tỉ trọng dư nợ tín dụng phi sản xuất chỉ còn chiếm 16,92% tổng dư nợ, nhưng báo cáo từ các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước địa phương lại cho thấy còn 8 ngân hàng không đạt được giới hạn giảm tỉ lệ nói trên xuống dưới 22% vào cuối tháng 6. Như vậy khả năng con số của Ngân hàng Nhà nước là số liệu tổng hợp chung, trong khi thực tế vẫn có nhiều ngân hàng phải nỗ lực hơn nữa, đặc biệt khi hạn mức 16% phải đạt được vào cuối năm.
Thông tin CPI tháng 6 là khá tốt, nhưng đỉnh của lạm phát tính theo năm vẫn chưa thấy. Do đó nếu nhìn vào số liệu ngắn (theo tháng) thì giới đầu tư kỳ vọng vào một sự nới lỏng nào đó sẽ phải thất vọng. Sẽ không có một cơ hội nới lỏng nào về chính sách, chí ít trong vài tháng tới khi CPI tính theo năm xác nhận đỉnh. Nhiều chuyên gia độc lập lẫn chuyên gia của các cơ quan chính phủ cũng xác nhận bất ổn còn nhiều, không thể để lặp lại chu kỳ nới lỏng tiền tệ như các năm trước.
Vấn đề lãi suất ngắn hạn hạ nhiệt cũng có tín hiệu tốt. Ban đầu là việc các ngân hàng không chấp nhận thỏa thuận lãi suất quá cao nữa. Tuy nhiên để hạ lãi suất cho vay xuống cũng không phải là điều có thể làm một sớm một chiều. Lãi suất đầu vào còn cao, lạm phát cả năm chắc chắn đạt hai con số, thì kỳ vọng hạ lãi suất huy động là khá mơ hồ.
Lượng vốn tiềm năng vào thị trường trong thời gian tới vẫn còn rất eo hẹp. Trước hết là khả năng ngân hàng bơm vốn là khó, vì rào cản tỉ lệ tăng trưởng dư nợ phi sản xuất tiếp tục bị ép. Thứ hai là khả năng sửa đổi Thông tư 13, 19 theo hướng chặt hơn với dư nợ cho vay chứng khoán càng hạn chế dòng vốn vào thị trường qua kênh ngân hàng. Quy định mới xác nhận hạn mức cho vay tối đa là 3% vốn tự có, thay vì 20% vốn điều lệ.
Như vậy dòng vốn thực trên thị trường thời gian tới khó trông mong đủ lực tạo nên sự đột biến nào. Cơ hội lớn nhất là thị trường sẽ hút thêm lượng vốn mới từ dân cư hoặc lớp nhà đầu tư mới. Để đạt được điều này, chỉ có hai cơ hội: Một là chuyển biến vĩ mô tích cực rõ nét; và hai là giá giảm đủ rẻ để tạo lòng tham.