Đã 6 tháng trôi qua kể từ đợt tấn công sàn giao dịch tiền ảo Coincheck trộm đi 530 triệu USD giá trị tiền ảo, các sàn giao dịch tiền ảo của Nhật Bản vẫn đang tìm cách phục hồi uy tín. Bên cạnh đó, các sàn này đã phải phát sinh thêm các chi phí để đảm bảo sự việc tương tự không xảy ra một lần nữa.
Một báo cáo của công ty Monex Group cho thấy trong quý 2 (từ tháng 4 đến tháng 6), lĩnh vực tài sản ảo của công ty này đã mất 259 triệu yen trước thuế (tương đương 2,33 triệu USD), kết quả của việc công ty này mua lại Coincheck sau vụ tấn công. Kết quả này cách biệt rất xa so với báo cáo năm tài chính của Coincheck hồi tháng 3, với một kết quả rất phấn khởi khi biên lợi nhuận hoạt động lên đến 86%.
Ông Oki Matsumoto, CEO của Monex cho biết “Về lâu dài chúng tôi muốn lấy lại khả năng tạo ra lợi nhuận này”.
Một phần lý do gây ra sự sụt giảm đến từ việc các nhà đầu tư tháo chạy khỏi tiền ảo. Theo trang web cung cấp dữ liệu về tiền ảo CoinMarketCap, khối lượng giao dịch hàng ngày của đồng Bitcoin hiện vào khoảng 5 tỷ USD, một sự sụt giảm lớn so với mức 20 tỷ USD / ngày của năm ngoái. Sàn Coincheck đã tạm dừng hầu hết mọi hoạt động kể từ sau vụ trộm.
Trong khi đó, chi phí cho an ninh và giám sát ngày càng tăng. Ông Matsumoto cho biết ngày càng phải đầu tư nhiều hơn vào an ninh mạng. Việc tranh giành các chuyên gia giám sát cũng diễn ra nhiều hơn, đơn cử là sàn giao dịch tiền ảo bitFlyer vừa chiêu mộ một giám đốc từ Matsui Securities.
Cơ quan Dịch vụ Tài chính (FSA), một tổ chức của chính phủ Nhật Bản đã thanh tra toàn bộ các sàn giao dịch tiền ảo tại nước này sau khi xảy ra vụ trộm tại Coincheck. Bảy công ty đã đăng kí được yêu cầu phải tăng cường giám sát, trong khi năm công ty khác được phép hoạt động trong khi chờ đăng kí đã bị yêu cầu dừng mọi hoạt động và phải đề ra các biện pháp giám sát chặt chẽ hơn.
Nhiều công ty khác không thể tuân thủ các yêu cầu của FSA đã tự nguyện dừng kinh doanh. Chỉ có 3 sàn giao dịch chưa đăng kí, bao gồm Coincheck, đang tìm cách quay lại thị trường.
Ngành công nghiệp tiền ảo đang tìm cách lấy lại uy tín. Hiệp hội các sàn giao dịch tiền ảo Nhật Bản đã được thành lập vào tháng 4 vừa qua, với mục tiêu thiết lập một bộ các quy tắc tự nguyện để ngăn ngừa các vụ rửa tiền và các hành vi bất hợp pháp khác. Hiệp hội này hi vọng trong tuần này sẽ đề ra các quy định cụ thể và công bố một khung quy định vào cuối mùa hè này.
Nhưng về lâu dài vẫn còn nhiều việc phải làm. Ví dụ như bitFlyer đã tăng cường quy trình nhận dạng sau khi FSA yêu cầu các biện pháp phòng chống rửa tiền tốt hơn. Tuy nhiên điều này sẽ làm chậm quá trình gửi và rút tiền từ tài khoản trên sàn giao dịch này. Bộ phận công nghệ của sàn này đã tuyên bố sẽ tạm dừng ứng dụng di động Zaif của họ.
Tính minh bạch sẽ là chìa khóa để các công ty này lấy lại niềm tin. Phần lớn các sàn giao dịch không công bố các thông tin như tổng số tài khoản đang hoạt động trên nền tảng của họ ra công chúng, không như các nhà môi giới trực tuyến, họ thường tiết lộ tổng số tài khoản và khối lượng giao dịch hàng tháng.
Yoshitaka Kitao, CEO và chủ tịch của SBI Holdings, một công ty chuyên về an ninh và tiền ảo cho biết “Cạnh tranh minh bạch sẽ giúp phát triển thị trường”.
Nếu xét đến thị trường Bitcoin chậm chạp hiện nay, thị trường tiền ảo không còn dễ kiếm lợi nhuận nữa. Có nhiều tin đồn cho rằng nhiều loại tiền ảo đang tìm kiếm người mua, một dấu hiệu cho thấy ngành công nghiệp này sắp có một sự tái sắp xếp lớn.