Cả doanh nghiệp nhập khẩu và xuất khẩu đều bị tác động
Đó là nhận định của các chuyên gia kinh tế, khi thực trạng nhiều doanh nghiệp (DN) hiện nay mang danh xuất khẩu, nhưng nhiều DN vẫn thiên về gia công là chính. Thậm chí, có những DN nhập sản phẩm của nước ngoài, gia công lại rồi xuất khẩu (XK) sang nước khác. Điều này cho thấy, không chỉ DN nhập khẩu (NK), mà doanh nghiệp XK cũng đều gặp khó khăn khi giá USD tăng cao.
Trước giá USD bất ngờ “phi mã”, nhiều doanh nghiệp – nhất là các DN nhỏ và vừa lo ngại sẽ gặp không ít khó khăn trong thời gian tới, khi giá USD tăng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến giá đầu vào nhập nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, khi hiện tại nhiều DN phải nhập 100% nguyên liệu, bởi các DN nhỏ không có đủ khả năng dự trữ khối lượng nguyên liệu lớn.
“Trong giai đoạn kinh doanh hiện nay, giá cả được đàm phán và giới thiệu đến đối tác từ đầu năm, sản phẩm phải ở mức cạnh tranh mới có thể có được đơn hàng, nay giá USD tăng cao, ảnh hưởng đến giá nhập nguyên liệu đầu vào, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận” – Giám đốc một DN trong lĩnh vực sản xuất nhựa nêu ý kiến.
Ở góc độ kinh doanh bán lẻ, bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng Giám đốc Cty CP Nhất Nam – cho biết: Tỉ giá đồng USD tăng đã ảnh hưởng lớn đến NK, nhất là các mặt hàng trong nước không sản xuất được. Như vậy, người tiêu dùng phải mua sản phẩm với giá cao. Đồng thời, hoạt động XK cũng bị ảnh hưởng bởi hiện nay nước ta nhiều sản phẩm gia công để XK (da giày, hàng dệt may, điện tử-PV), nên phải nhập khẩu linh kiện, phụ kiện về để sản xuất. Khi giá nguyên vật liệu NK cao, thì sẽ ảnh hưởng đến giá thành XK, làm giảm tính cạnh tranh.
Gìm cương lạm phát trước nguy cơ chu kỳ khủng hoảng
Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia kinh tế – PGS-TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả (Bộ Tài chính) – cho rằng: Trước diễn biến của đồng USD, cần cân nhắc kỹ, nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động XNK; nhưng khi điều chỉnh tỉ giá sẽ ảnh hưởng đến vấn đề lạm phát.
Lạm phát phụ thuộc vào sức mua của đồng tiền. Sức mua của đồng tiền phụ thuộc vào giá sức mua đối nội và sức mua đối ngoại. Sức mua đối ngoại chính là tỉ giá. Trong vấn đề này mình cần cảnh báo và cần giám sát để ổn định được mức lạm phát. Đồng thời, để không ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, nếu kìm hãm quá sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, nhưng nếu mở rộng quá mức thì sẽ tác động rất lớn đến nợ công và dẫn đến rất nhiều vấn đề.
Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cũng phán đoán được, dự báo và đưa ra các biện pháp”- PGS- TS Ngô Trí Long nêu ý kiến. Việc điều chỉnh tỉ giá USD của Fed đợt vừa rồi và dự kiến Fed sẽ còn tiếp tục điều chỉnh tăng tỉ giá USD trong thời gian tới chứng tỏ nền kinh tế của Mỹ đang tăng trưởng, đồng USD đang mạnh lên.
Hiện nay, khi hội nhập kinh tế thì độ mở cửa nền kinh tế của chúng ta rất lớn, mà đồng USD là ngoại tệ giao dịch chủ chốt của chúng ta hiện nay, thì khi tỉ giá USD tăng thì sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, đặc biệt là ảnh hưởng đến hoạt động XNK và tỉ giá. Trong bối cảnh như vậy, chúng ta không thể kiềm chế, mà nên điều chỉnh linh hoạt theo tín hiệu thị trường… Trong bối cảnh này buộc phải thay đổi tỉ giá.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đưa ra nhận định, giá USD tăng liên tục thì mới ảnh hưởng đến lạm phát. Tuy nhiên hiện nay, chúng ta vẫn chưa đánh giá chính xác được giá USD có tăng liên tục hay không. Giá USD tăng, tỉ giá ngân hàng phải tăng theo mới tác động tới lạm phát. Ngân hàng Nhà nước vẫn đang áp dụng các giải pháp hữu hiệu để ổn định thị trường tiền tệ, chắc chắn sẽ rất cân nhắc khi điều chỉnh các tỉ giá ngân hàng.