Từ đầu năm nay, giá bán của một doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn tôm chiếm thị phần lớn Việt Nam đã điều chỉnh tăng thêm 2.400 đồng/kg. Trước đó 10 tháng, DN này cũng điều chỉnh giá thức ăn tôm tăng thêm 2.100 đồng/kg.
Như vậy, người nuôi tôm nếu mua thức ăn từ công ty này sẽ phải chịu mức tăng giá trong 10 tháng qua lên tới 4.500 đồng/kg, ảnh hưởng đáng kể đến giá thành của sản phẩm tôm.
Đội giá, tăng phí
Nhiều ý kiến cho rằng giá thức ăn cho tôm ở Việt Nam luôn cao hơn các nước khác và người nuôi tôm có thể thua lỗ, nhưng DN thức ăn tôm thì chưa bao giờ rơi vào tình trạng này với việc tăng giá liên tục.
Ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc CTCP thực phẩm Sao Ta (một DN xuất khẩu tôm hàng đầu Việt Nam), chia sẻ chi phí thức ăn cho tôm cũng như chi phí tôm giống của nông dân Việt Nam thuộc hàng cao nhất thế giới. Hiện nay, chi phí sản xuất 1kg tôm ở Việt Nam cao hơn khoảng 1USD so với nhiều quốc gia trong khu vực.
Chi phí để kiểm tra kháng sinh cũng khiến DN ngành tôm thêm áp lực. Theo ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn thủy sản Minh Phú, chi phí kiểm tra kháng sinh cho 1kg tôm nguyên liệu khoảng 6.000 đồng, quy ra 1kg thành phẩm tốn khoảng 9.000 đồng, khiến sản phẩm tôm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh.
Giá tôm nguyên liệu cũng là thách thức lớn đối với việc gia tăng chi phí của nhiều DN chế biến thuỷ sản. Để giải bài toán này nhằm giảm thiểu được 10 – 20% chi phí đầu vào, tăng biên lợi nhuận, công ty Minh Phú đã áp dụng nuôi tôm công nghệ cao trên diện rộng để tăng tỷ trọng tự chủ nguồn cung lên 3 – 5 vụ/năm.
Tương tự, nhằm tăng tỷ lệ tự chủ đầu vào để giảm chi phí, CTCP thực phẩm Sao Ta hồi năm 2018 đã đầu tư nâng số lượng ao nuôi lên 200 ao, diện tích tăng thêm 40ha.
Giới chuyên gia lưu ý việc nuôi tôm manh mún ở Việt Nam sẽ khó có lãi vì chi phí cao (như chi phí thức ăn, chi phí nhân công cao 3 – 5 lần so với các quốc gia khác). Các nông trại nuôi tôm ở Việt Nam thường chỉ có diện tích 1 – 2ha, quá thấp so với nhiều nước khác với mỗi nông trại khoảng 50ha.
Nguồn nguyên liệu thuỷ sản trong nước hiện nay không ổn định do nguồn lợi suy giảm, thời tiết khắc nghiệt cũng là một nguyên nhân làm cho giá thành sản xuất cao. Đặc biệt, ngoài giá thức ăn cao thì con giống, hoá chất, kháng sinh đều phụ thuộc phần lớn vào các nguồn cung nước ngoài.
Chính vì vậy, việc tự chủ nguồn nguyên liệu, gia tăng công suất chế biến đang được các DN ngành hàng cá tra áp dụng để cố gắng cắt giảm được chi phí. Như trường hợp CTCP Vĩnh Hoàn trong năm nay sẽ mở rộng vùng nuôi cá tra thêm 220ha, giúp nguyên liệu tự sản xuất sẽ tăng 40% so với cùng kỳ, công suất chế biến cũng sẽ tăng từ mức 850 tấn nguyên liệu lên 1.130 tấn nguyên liệu/ ngày trong 2 năm tới.
Hay như công ty TNHH nuôi trồng thuỷ sản Nam Việt hồi đầu năm nay đã khởi công vùng nuôi cá tra công nghệ cao với quy mô 600ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng tại tỉnh An Giang. Việc này giúp DN chủ động hoàn toàn vùng nguyên liệu, từ đó đạt mục tiêu nâng công suất từ 600 tấn nguyên liệu/ngày lên 1.100 tấn nguyên liệu/ngày.
Trợ lực giải bài toán khó
Tuy nhiên, việc cắt giảm chi phí không chỉ nằm ở bài toán giá nguyên liệu (tăng khoảng 20% – 30%), DN thuỷ sản còn phải đối mặt nhiều vấn đề như giá điện tăng, giá thức ăn, chi phí logistics còn cao, chi phí nhân công tăng…
Đơn cử như giá điện điều chỉnh có thể tăng ở mức 8% trong tháng 3 này là một nỗi lo lớn với các DN thuỷ sản, do các nhà máy chế biến tiêu tốn nhiều năng lượng cho các khâu làm mát, trữ lạnh nguyên liệu, tẩy rửa dụng cụ…
Theo tính toán của một chủ DN xuất khẩu cá tra, riêng tiền điện có thể phải tốn cả chục tỷ đồng, chi phí ở các nhà máy sẽ bị đội lên.
Ngoài ra, chi phí nhân công ngày càng tăng cũng là một áp lực cho các DN thuỷ sản trong bối cảnh ngành chế biến thuỷ sản đang “đỏ mắt” tìm công nhân, nhất là các DN ở Tp.HCM và Đồng bằng sông Cửu Long.
Nhiều DN thuỷ sản đã tăng lương ở mức dao động 8-10 triệu đồng/ người/tháng, thậm chí có nơi còn trả lương 14 triệu đồng cho các công nhân có kinh nghiệm nhưng vẫn thiếu nguồn lao động. Trong khi đó, nhiều công nhân thủy sản lại chuyển nghề vì cho rằng thu nhập bấp bênh, môi trường làm việc độc hại…
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một DN xuất khẩu tôm cho biết khi các hiệp định thương mại của Việt Nam với các nước có hiệu lực, việc xuất khẩu của DN cũng chẳng dễ dàng gì, bởi giá nguyên liệu luôn cao hơn so với các quốc gia trong khu vực, cộng với chi phí lao động ngày một tăng cao.
Với nhiều áp lực về chi phí dẫn đến việc tăng giá thành sản phẩm, có thể thấy khả năng cạnh tranh của thủy sản xuất khẩu so với các đối thủ khác trong khu vực là cả bài toán khó giải nếu như không có sự hỗ trợ từ phía chính sách.