Chỉ còn hơn 1 tháng nữa (23/4) là đến thời hạn EU đánh giá kết quả triển khai và khắc phục các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không có báo cáo và không được quản lý (IUU) của Việt Nam, khi đó, sẽ có 3 cửa cho thuỷ sản Việt Nam là thẻ xanh, thẻ vàng hoặc thẻ đỏ.
Doanh nghiệp chờ đợi…
Trao đổi với DĐDN, bà Cao Thị Kim Lan- Giám đốc CTCP Thủy sản Bình Định, một trong những đơn vị thế mạnh với sản phẩm cá ngừ đại dương vào EU, nhận định, đây là vấn đề sống còn với doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh Cty đang có một số hợp đồng hàng thủy sản lớn sang thị trường châu Âu. Do đó, ngay trong ngày đầu năm mới 2018, Cty đã tổ chức sản xuất để kịp giao 4 container hàng thủy sản đi châu Âu.
Mặc dù nhận định cả hệ thống đã vào cuộc, nhưng bà Lan cho rằng, việc dỡ “thẻ vàng” hay không là không thể nói trước được. Giờ doanh nghiệp đã làm hết sức theo hướng dẫn của Bộ và Tổng cục, chỉ còn biết chờ đợi, nếu tới đây những nỗ lực của cả các cơ quan nhà nước, địa phương và doanh nghiệp thời gian qua không được EU ghi nhận và xoá thẻ vàng thì không riêng Thuỷ sản Bình Định, tất cả các doanh nghiệp đều gặp khó khăn khi xuất hàng, thậm chí là “cấm cửa” tại thị trường này.
Hay nói như ông Ngô Viết Hoài – Phó tổng giám đốc CTCP chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu “chưa tính tới thiệt hại hàng hóa, việc bị rút thẻ vàng sẽ khiến tăng chi phí quá lớn, làm doanh nghiệp khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước khác cùng xuất khẩu vào EU”.
Câu chuyện dài hơi
Trong khi đó, EU hiện là một trong 3 thị trường xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất của Việt Nam. Không chỉ tác động với thuỷ sản vào EU, mới đây việc Cơ quan thẩm quyền Hà Lan đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến chứng nhận khai thác thuỷ sản do Cơ quan thẩm quyền Việt Nam cấp vì “không đúng theo hướng dẫn của EU”, cho thấy vấn đề không còn nằm ở riêng thị trường này.
Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề gấp rút trước mắt tại thị trường EU, mới đây Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) đã đề xuất 5 nhóm giải pháp. “Đây là những hoạt động VASEP kiến nghị là cần triển khai nhằm khắc phục “thẻ vàng” IUU ngay trong tháng 3 này. Còn cần hơn vẫn là những biện pháp dài hơi hơn cho thuỷ sản khai thác nói riêng và thuỷ sản Việt Nam nói chung”, ông Nguyễn Hoài Nam- Phó tổng thư ký VASEP cho biết.
Cùng quan điểm, chuyên gia thuỷ sản Nguyễn Hữu Dũng cho biết, vấn đề về IUU đã được cảnh báo từ cách đây 5-7 năm, nhưng Việt Nam vẫn để bị EU rút cảnh cáo “thẻ vàng”. 6 tháng để cải thiện “thẻ vàng” là rất khó, Việt Nam có nguy cơ phải đối mặt với “thẻ đỏ” thuỷ sản khai khác. Không đơn thuần là dồn sức thoát “thẻ vàng” EU, mà quan trọng hơn là tầm nhìn dài hạn với các sản phẩm thuỷ sản nuôi.