Lần thứ ba tôi có mặt ở công trường Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3 đúng vào dịp Nhà máy thực hiện đóng điện Tổ máy số 2 vào lưới điện quốc gia, ngày 12/6/2012. Vậy là, sau gần 3 năm chặn dòng, Thủy điện Nho Quế 3 đã chạy hết công suất 110 MW theo thiết kế (Tổ máy số 1 đã hoà lưới điện quốc gia từ ngày 30/3/2012, vượt tiến độ gần 1 năm), mang về sản lượng điện mỗi ngày tương đương hơn 2,5 tỷ đồng.
Không có nghi thức nào đặc biệt cho lễ đóng điện Tổ máy số 2. Sáng sớm, Tổng giám đốc Công ty Bitexco Nho Quế, ông Vũ Chí Mỹ đãi chúng tôi bát mỳ tôm rồi khẩn trương leo lên xe chạy vào Nhà máy cho kịp giờ, với lời hứa: “Chuyện với nhà báo, tới bữa cơm trưa tôi sẽ kể”. Đúng 9 giờ 15 phút, cầu dao điện Tổ máy số 2 được nâng lên, hoà dòng điện vào lưới điện quốc gia theo đường dây truyền tải 210 Kv Bảo Lạc – Cao Bằng, đơn giản như cách các anh đón chúng tôi vào công trường dự án với bát mỳ tôm cải mèo!
Tranh thủ lúc anh Mỹ tất bật với các kỹ sư, công nhân, tôi hỏi chuyện Phó tổng giám đốc Nguyễn Phú Xuyên, cùng quê Yên Khánh, Ninh Bình, cũng là thuộc cấp của anh Mỹ từ ngày còn làm ở Sông Đà. Anh Xuyên kể, Dự án Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3 được tiến hành khảo sát thi công từ đầu năm 2007. Nhiều đối tác, nhà thầu đã lên đây, nhưng nhìn địa hình đặt dự án lại lẳng lặng ra về. Không ai nói thẳng ra, nhưng có lẽ họ đều nản lòng vì đá.
Cho đến bây giờ, khi đã có thể ngồi trên chiếc Pajero 2 cầu đi vào Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3, anh Xuyên vẫn ám ảnh những chuyến băng mình qua những vách đá dựng đứng, cao hàng trăm mét, lối mòn chỉ vừa một bàn chân người để đi vào bản Sín Cái, xã Sơn Vĩ (xã tận cùng của huyện Mèo Vạc), mang tiền đền bù cho những hộ dân người H’Mông sống trên đỉnh núi cao.
Ở huyện Mèo Vạc này, trên là trời, dưới là đá, anh Xuyên kể, có những thời điểm, mọi thiết bị cơ giới đều bất lực, việc phá đá phải thực hiện hoàn toàn bằng tay. Có ngày, hàng trăm công nhân thi công cật lực mà con đường chỉ tiến thêm vài chục… xăng ti mét! Đá bủa vây khắp hướng, toàn đá tai mèo xám ngoét. Đá thì sẵn, nhưng cát xây dựng lại không có. Để vận chuyển 1 m3 cát từ Hà Giang lên đến công trường, chi phí mất 1,2 triệu đồng. Sau một thời gian tìm tòi, nghiên cứu, đội ngũ kỹ sư của Dự án đã thực hiện thành công việc nghiền đá thành cát “nhân tạo”, với chi phí chỉ bằng 1/5 so với việc vận chuyển cát từ Hà Giang lên.
Khi bắt tay thực hiện Dự án, các đơn vị thi công còn phải đối mặt với mối lo sợ khác là các hang động carter trong lòng núi đá vôi. Đây là các hang trống chứa bùn nằm rải rác trong lòng núi. Nếu không bịt được các hang này, thì không thể đổ bê tông thân đập và chân móng nhà máy. Khi ngăn sông dâng nước, các hang này sẽ “uống” hết nước hồ, mọi công lao xây dựng dự án sẽ là con số không. Mất nhiều ngày quần đùi lội nước lần mò tìm các miệng hang cùng với sự trợ giúp của hệ thống định vị vệ tinh, đích thân Tổng giám đốc Bitexco Nho Quế Vũ Chí Mỹ đã tìm ra cách khắc phục bài toàn khó này, khi đổ thành công những lớp bê tông đầu tiên xuống thân móng nhà máy.
Duyên nợ với núi rừng
Tâm sự với chúng tôi, anh Xuyên cho biết, niềm vui của những người làm dự án nơi này, ngoài dòng điện thu được, chính là việc góp phần mang cơm ăn, áo mặc cho những người dân tộc H’Mông bao đời ẩn mình nơi biên cương Tổ quốc. Hai ngôi trường dành cho học sinh tiểu học đã được xây xong, góp phần mang cái chữ đến cho các bé trai, bé gái người H’Mông bốn mùa sống trong mây núi.
Ngoài ra, các hồ thủy điện sẽ góp phần tạo ra những tiểu vùng khí hậu tốt, phục vụ môi trường sinh thái. Với vùng đất khô cằn ở Mèo Vạc, hơi nước là vô cùng quý giá. Độ ẩm tốt thì rừng rú cùng tươi xanh, cây trồng cũng mỡ màng hơn, người dân có điều kiện kết bè, nuôi cá trên hồ, cải thiện cuộc sống.
Giữ đúng lời hứa, bữa cơm trưa, anh Mỹ mời chúng tôi ngồi cùng mâm để tranh thủ kể về những tháng ngày anh gắn bó với Nho Quế. Anh bắt đầu câu chuyện một cách giản dị với chén rượu ngô men lá bên cạnh người vợ vừa từ Hà Nội lên thăm.
Anh bảo, chả có nguyên nhân nào ghê gớm để anh về làm Giám đốc Công ty Bitexco Nho Quế, cũng chả có cam kết hoành tráng hay mức “lương khủng” nào từ ông chủ Tập đoàn Bitexco Vũ Quang Hội với người đàn ông nhỏ bé đã hơn nửa đời gắn bó với các dự án thủy điện của Sông Đà. Chỉ đơn giản là, năm 2003, ông Hội lên thăm Dự án Thủy điện Nậm Mu do Tập đoàn Sông Đà làm chủ đầu tư, trong đó Bitexco góp vốn một phần, ấn tượng với cách sắp xếp công việc của anh, khi đó là Giám đốc Dự án Thủy điện Nậm Mu, ông Hội đã mời anh về Nho Quế. “Khi nào làm dự án xong thì thôi”, ông Hội chỉ hứa thế.
Theo anh Mỹ, cái khó của Thủy điện Nho Quế ban đầu chính là công tác tư vấn về công suất, công nghệ, nhà máy sau đập hay trong đập, phương pháp thi công… Do địa hình núi đá hiểm trở, hang động carter rất nhiều, nếu không nghiên cứu kỹ, tư vấn không chuyên nghiệp, không giỏi thực địa, thì rủi ro rất lớn.
Ngồi bên chị Hồng (vợ anh, cũng là một người thợ thủy điện từ hồi còn làm ở Sông Đà), anh Mỹ nói, cả đời anh gắn với thủy điện, lấy vợ, sinh con cũng tại công trường thủy điện. Hơn 30 năm lăn lộn khắp các công trường thủy điện Hoà Bình, Yaly đến Sơn La, Nậm Mu, Bắc Mê… đã biến anh từ một sinh viên Trường đại học Xây dựng trẻ măng thành người đàn ông tóc muối tiêu. Nhưng có một thứ không hề thay đổi, đó là nỗi đam mê với công việc “chắt đá” thành điện. Cho đến giờ, mỗi lần muốn gặp anh, chị Hồng lại phải “khăn gói quả mướp” từ Hà Nội lên Mèo Vạc, vào Khau Vai. Nhìn sang chị, anh bảo: “Có lẽ, độ dăm năm nữa, làm xong 2 nhà máy Nho Quế 1 và Nho Quế 2, tớ sẽ thôi không đi công trường nữa”!
Phút trầm giữa bản hùng ca
Giữa khu văn phòng rộng gần 2 ha mà Tổng giám đốc Công ty Bitexco Nho Quế dự kiến sẽ xây dựng “chung cư” cho những người thợ ở lại vận hành Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3, anh Mỹ đã kịp hoàn thành một tâm nguyện. Đó là xây dựng khu đền thờ thần linh và vong linh những người thợ đã không may ngã xuống trong quá trình xây dựng Nhà máy. Khói hương cho người đã mất cũng khiến tấm lòng của những người còn sống ấm áp nơi núi rừng…
Hơn 30 năm trước, trong bút ký “Mỏm Lũng Cú tột Bắc”, cố nhà văn Nguyễn Tuân, khi đứng trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng, đã ước ao biến dòng nước xanh nhờ nhờ của sông Nho Quế thành điện, hẳn sẽ rơi nước mắt khi biết, Thủy điện Nho Quế 3 đã có thể cung cấp cho lưới điện quốc gia 507,6 triệu KWh/năm. Và không chỉ có vậy, sẽ còn có thêm Thủy điện Nho Quế 2 và Nho Quế 1 cũng được Bitexco khởi công xây dựng sau Lễ khánh thành Nhà máy Thủy điện Nho Quế 3, với tổng công suất gần bằng Nho Quế 3.