Mặc dù kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng đột biến trong giai đoạn 2015 – 2017, nhưng nửa đầu năm 2018, lãi ròng của Công ty đã giảm tới 85% so với cùng kỳ năm 2017.
Kinh doanh sa sút nửa đầu năm 2018
Công ty CP Thủy điện Buôn Đôn chính thức được thành lập và đi vào hoạt động ngày 20/5/2009. Kể từ đó đến nay, Công ty quản lý và vận hành duy nhất Nhà máy Thủy điện Srêpôk 4A với công suất 64 MW được xây dựng tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Năm 2013, Nhà máy được chính thức vận hành và hoạt động. Vốn điều lệ hiện tại của Thủy điện Buôn Đôn là hơn 380 tỷ đồng với các cổ đông lớn gồm: Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 4 (31%), Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa (25%), Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (15%), Công ty CP Tư vấn xây dựng điện 2 (5%) và Công ty CP Xây dựng 47 (8%).
Mặc dù mới đi vào hoạt động từ năm 2013 nhưng nhà máy điện này có kết quả kinh doanh, đặc biệt là lợi nhuận 3 năm gần đây nhất (2015 – 2017), tăng trưởng đáng kể. Cụ thể, doanh thu 3 năm 2015, 2016, 2017 lần lượt đạt 163 tỷ đồng, 246 tỷ đồng (tăng trưởng 50% so với năm 2015) và 400 tỷ đồng (tăng trưởng 62% so với năm 2016). Cùng với sự tăng trưởng về doanh thu, lãi ròng của Thủy điện Buôn Đôn trong giai đoạn này cũng tăng trưởng mạnh. Năm 2016, Công ty báo lãi 73 tỷ đồng, tăng trưởng 421% so với con số đạt được năm 2015 là 14 tỷ đồng. Còn năm 2017, Công ty báo lãi 204 tỷ đồng, tăng 179% so với năm 2016.
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2018 Thủy điện Buôn Đôn mới chỉ đạt được 98,3 tỷ đồng doanh thu thuần và 8,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm lần lượt 32% và 85% so với cùng kỳ năm 2017. Với kế hoạch tổng doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2018 lần lượt là 279 tỷ đồng và 83,4 tỷ đồng, Thủy điện Buôn Đôn mới chỉ thực hiện được 35% kế hoạch doanh thu và 10% kế hoạch lợi nhuận ròng.
76% số cổ phiếu bị hạn chế giao dịch
Một vấn đề khác liên quan đến Thủy điện Buôn Đôn sau khi lên sàn UPCoM là thanh khoản của cổ phiếu được giao dịch. Mặc dù số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch trên UPCoM là 38.022.382 cổ phiếu nhưng số lượng chứng khoán bị hạn chế chuyển nhượng theo quy định của pháp luật hoặc của tổ chức đăng ký giao dịch là 28.897.100 cổ phiếu (chiếm 76% vốn điều lệ). Lý do hạn chế chuyển nhượng là cam kết giữa các cổ đông lớn và bên cho vay là Ngân hàng Sumitomo (Nhật Bản).
Cụ thể, Thủy điện Buôn Đôn có khoản vay ngoại tệ với Ngân hàng Sumitomo và cam kết để thực hiện hợp đồng tín dụng này là các cổ đông của Công ty không được chuyển nhượng cổ phần suốt thời gian vay vốn. Thời gian hạn chế chuyển nhượng là 14 năm (từ 27/2/2012 đến 27/2/2026). Báo cáo tài chính bán niên 2018 của Thủy điện Buôn Đôn cho biết, giá trị khoản nợ vay dài hạn và ngắn hạn của Công ty với Ngân hàng Sumitomo có giá trị 1.074 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý II/2018. Như vậy, số lượng cổ phiếu Thủy điện Buôn Đôn được phép giao dịch trên sàn UPCoM chỉ khoảng 9,1 triệu cổ phiếu. Điều này sẽ làm giảm tính thanh khoản của cổ phiếu Thủy điện Buôn Đôn.
Trong năm 2018, Thủy điện Buôn Đôn có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, nghĩa là cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu hiện tại sẽ nhận được thêm 2 cổ phiếu mới. Với tỷ lệ như vậy, số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành thêm là 7.604.476 cổ phiếu. Trong khi lợi nhuận của Thủy điện Buôn Đôn nhiều khả năng sẽ giảm mạnh, số lượng cổ phiếu tăng thêm 20% sau khi thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu sẽ làm cho thu nhập trên một cổ phần (EPS) bị pha loãng mạnh.