Những ông lớn bắt đầu thiết lập
Theo kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng TMĐT trong lĩnh vực bán lẻ sẽ đạt khoảng 20%/năm và đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. Trên thực tế theo đánh giá của Hiệp hội TMĐT Việt Nam, tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020.
Trong một số lĩnh vực như bán lẻ trực tuyến, tốc độ tăng trưởng khá ngoạn mục với hàng ngàn website TMĐT có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 đến 35%; hay tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát tăng 62-200%.
Trong lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ CTCP Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017 tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa khoảng 50% so với 2016, trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết (afiliate marketing) có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt 100-200%.
Những con số trên phần nào lý giải việc NĐT nước ngoài, nhất là Trung Quốc đang tìm mọi cách tiến vào vào Việt Nam. Ông Jack Ma, Chủ tịch Tập đoàn TMĐT Alibaba nổi tiếng của Trung Quốc, từng ví TMĐT tại Việt Nam như một mỏ vàng, và vị tỷ phú này đã nhanh tay khai thác mỏ vàng.
Cụ thể, giữa năm 2016, Alibaba đã bỏ ra 1 tỷ USD để mua lại 51% cổ phần tại Lazada, vốn được coi là “Amazon của Đông Nam Á”. Đến giữa năm 2017, Alibaba tiếp tục rót thêm 1 tỷ USD để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 83%, và nghe đâu đang có kế hoạch mua đứt Lazada để làm chi nhánh Alibaba tại Việt Nam.
Một đại gia TMĐT lớn, cũng là đối thủ cạnh tranh của Alibaba tại Trung Quốc là JD.com, cũng chính thức vào thị trường Việt Nam cuối năm 2017, khi rót vốn vào trang TMĐT tiki.vn. Một công ty TMĐT nữa mới xuất hiện trên thị trường Việt Nam và đang dần thiết lập được chỗ đứng khá vững chắc là Shopee. Dù là công ty có trụ sở chính tại Singapore, nhưng Shopee có cổ đông lớn nhất đang nắm xấp xỉ 40% cổ phần là Tencent, một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất của Trung Quốc có giá trị vốn hóa trên thị trường hơn 500 tỷ USD.
Ngoài sự có mặt của 3 ông lớn Trung Quốc, những ngày qua thị trường cũng đang rộ lên thông tin về cuộc đổ bộ của ông lớn Amazon. Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch, Trưởng đại diện văn phòng Hiệp hội TMĐT Việt Nam tại TPHCM, Amazon đang tham gia với Hiệp hội TMĐT Việt Nam trong diễn đàn toàn cảnh với vai trò hỗ trợ DN Việt Nam xuất khẩu xuyên biên giới thông qua Amazon.
Còn theo thông tin của ĐTTC, thông qua 1 công ty tổ chức sự kiện, Amazon sẽ giới thiệu về họ với khách hàng Việt Nam. Sau đó đại diện Amazon đã có những buổi làm việc riêng với nhóm khách hàng tại Việt Nam lâu nay đã kết nối thông tin với họ. Từ đó có thể Amazon nắm thông tin, nếu được sẽ mở kho hàng tại Việt Nam. Như vậy, việc nhiều NĐT nước ngoài quan tâm và đổ bộ vào thị trường TMĐT Việt Nam đang gây bất lợi cho DN Việt Nam, và thực tế đã có DN TMĐT nội đã bị nước ngoài mua lại.
Thế mạnh sân nhà không còn
Thời gian qua đã có nhiều DN TMĐT trong nước phải ngậm ngùi rời cuộc chơi. Vào tháng 8-2016, sau khi tiêu tốn hơn 150 tỷ đồng, lingo.vn đã chính thức chia tay thị trường. Ngoài lingo.vn, hàng loạt trang TMĐT khác cũng đóng cửa như Beyeu.com, Lamdieu.com…
Hay gần nhất hồi tháng 5-2017, trang topmot, sàn TMĐT tiên phong bán hàng theo mô hình flash sale – kết nối những nhà cung cấp muốn giải phóng hàng tồn kho, hoặc xả hàng cuối mùa với những người có nhu cầu mua sắm hàng giảm giá – cũng chia tay thị trường, dù trước đó đã gọi được vốn từ các NĐT nước ngoài. Đến nay DN nội chỉ còn vài cái tên hay được nhắc đến như sendo.vn (thuộc FPT) vuivui.com (thuộc CTCP Đầu tư Thế giới di động)… Trong đó sendo.vn đã có sự đầu tư của các tập đoàn đến từ Nhật Bản.
Nói về sức ép từ NĐT nước ngoài, ông Phạm Văn Trọng, Giám đốc khối TMĐT của CTCP Đầu tư Thế giới di động, thẳng thắn thừa nhận thị trường TMĐT Việt Nam có sự góp mặt của nhiều ông lớn nước ngoài đặc biệt là các ông lớn đến từ Trung Quốc, đã thật sự tạo áp lực lớn cho vuivui.com.
Tuy nhiên mỗi bên đều có thế mạnh riêng của mình để phát triển. vuivui.com chọn con đường bán hàng chính hãng chất lượng và dịch vụ tốt nhất để phục vụ, cũng như mang lại niềm tin cho khách hàng. Về việc thị trường TMĐT Việt Nam có thể rơi vào tay NĐT ngoại, ông Trọng cho rằng khả năng này cao vì họ chọn mua hoặc đầu tư vào các trang lớn và hiện DN nội chỉ còn một vài đơn vị.
Thực tế khi ra đời vào đầu năm 2017, vuivui.com được Thế giới di động đặt mục tiêu trở thành trang TMĐT lớn ở TPHCM sau đó là của Việt Nam, nhưng cho đến nay sau hơn 1 năm hoạt động, trang này vẫn chưa có phát triển đáng chú ý nào, thậm chí theo chiến lược trong năm 2018 Thế giới di động sẽ tập trung phát triển chuỗi Bách hóa Xanh hơn là vuivui.com.
Từng có ý kiến cho rằng, một trong những lợi thế của DN nội chính là lợi thế sân nhà, am hiểu người tiêu dùng nhiều hơn. Song những bước đi của các NĐT ngoại cũng cho thấy họ rất coi trọng việc tìm hiểu thói quen của người tiêu dùng Việt Nam. Bằng chứng là Shopee tiên phong trong việc cho phép người bán và người mua có thể trực tiếp giao tiếp với nhau khi mua sắm. Tính năng này là một trong những lợi thế độc đáo tại thị trường Việt Nam, giúp người mua giải quyết nhu cầu được tư vấn, đồng thời người bán cũng có cơ hội chăm sóc khách hàng tốt hơn.
Và có lẽ đã đến lúc coi lại thế mạnh am hiểu người tiêu dùng của DN nội, bởi DN ngoại hoàn toàn có thể thuê quản lý, người điều hành cấp cao là người Việt Nam, đặc biệt họ đang ngày càng phục vụ đa dạng phân khúc khách hàng Việt.
Có thể thấy những lo ngại về việc mất thị trường TMĐT, đặc biệt là bán lẻ online vào tay các ông lớn ngoại hoàn toàn có cơ sở. Tại Việt Nam, nhiều nhà bán lẻ ngoại cũng đang phát triển thêm mảng online, như Lotte với việc ra đời trang mua sắm online, đã tuyên bố sẽ giành 20% thị phần TMĐT Việt Nam. Hay đại gia bán lẻ AEON (Nhật Bản) cũng chính thức tham gia thị trường bán lẻ Việt Nam khi cho ra mắt website thương mại trực tuyến AeonEshop. Việt Nam là quốc gia thứ 3 AEON tham gia TMĐT sau Nhật Bản và Malaysia. Khi ranh giới giữa online và offline dần không còn, sẽ càng làm cho TMĐT Việt Nam thêm sôi động và quyết liệt.
Thực tế những bước đi của các ông lớn ở thị trường Việt Nam hoàn toàn phù hợp với xu thế bùng nổ TMĐT trên thế giới. Trong đó, mô hình TMĐT DN đến người tiêu dùng (B2C) sẽ phát triển mạnh với mức tăng trưởng 20%/năm, đạt khoảng 3.400 tỷ USD, trong đó TMĐT xuyên biên giới chiếm 30% (đạt khoảng 1.000 tỷ USD). Tại Việt Nam, đến năm 2020 dự kiến có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350USD/người/năm.
Cạnh tranh bằng chất lượng, uy tín
Cuộc cạnh tranh khốc liệt trong mảng bán lẻ online của các ông lớn trong và ngoài nước đều hướng tới mục tiêu là chinh phục người tiêu dùng. Người tiêu dùng Việt Nam hiện nay khi tham gia mua sắm online trên nhiều trang TMĐT đang được hưởng lợi nhiều từ các chương trình khuyến mại, giảm giá khủng.
Đó là chưa nói đến các chính sách giao hàng nhanh, giao hàng miễn phí từ nhiều trang bán hàng trực tuyến cũng đang khiến người mua cảm thấy hài lòng hơn. Đặc biệt kiểm soát tốt chất lượng hàng hóa cũng đang là đích đến của rất nhiều trang TMĐT. Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Ngọc Dũng cho rằng các công ty lớn, đầu tư bài bản đều nỗ lực mang đến những sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng. Bởi để đầu tư một chiến dịch quảng bá nhằm thu hút người tiêu dùng rất tốn kém, có khi phải tốn thêm chi phí để giành lại khách hàng.
Thực tế hiện nay cho thấy, dù các DN đang nỗ lực mang lại nhiều lợi ích để lấy được niềm tin của người mua, vẫn không tránh khỏi hiện tượng khách hàng chịu cảnh bực bội khi mua sắm online. Rất nhiều khách hàng khi gặp sự cố thường cho qua vì ngại kiện cáo phiền phức. Chưa thực sự tin tưởng vào mua sắm online cũng là lý do việc giao hàng và trả bằng tiền mặt chiếm đến 85% trong giao dịch mua bán, chỉ có 15% khách hàng mua online tại Việt Nam trả tiền trực tuyến.
Vì thế, để bảo vệ người tiêu dùng, ngoài nỗ lực của chính DN, những trang TMĐT phải làm ăn bài bản mới tạo dựng uy tín cho thương hiệu của mình. Bởi nếu không, việc những ông lớn như Alibaba hay Amazon – những thương hiệu uy tín trên toàn cầu – sẽ chiếm hết thị phần bán hàng online, là điều không thể tránh khỏi.