Tại hội nghị sơ kết ngành công thương 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra ngày 9/7, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, đề cập đến việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sắp xem xét việc tăng “kịch trần” thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.
Người dân chịu gánh nặng
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, mức tăng thuế bảo vệ môi trường đối với từng mặt hàng lần lượt là xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/ lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít; mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/ kg lên 2.000 đồng/ kg; dầu hỏa tăng từ 300 đồng/lít lên 2.000 đồng/lít.
Lý giải mức tăng này, Bộ Tài chính cho rằng: Do thực hiện cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các hiệp định thương mại tự do nên số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm.
Ngoài ra, theo giải thích của Bộ Tài chính, hiện giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đứng vị trí 47 từ thấp đến cao trong tổng số 167 quốc gia (thấp hơn 120 nước), với mức 19.980 đồng/lít.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ kéo theo nhiều ảnh hưởng, mà phần lớn là ảnh hưởng tiêu cực đến người tiêu dùng.
Theo ông Hoàng Văn Hậu, chủ một doanh nghiệp vận tải xe khách, thuế xăng dầu tăng sẽ tác động ngay tức khắc đến các doanh nghiệp vận tải nhỏ, xăng dầu tăng giá với tỷ lệ bao nhiêu thì doanh nghiệp có thể sẽ phải chịu thiệt hại tương ứng tỷ lệ đó, bởi việc điều chỉnh giá cước cũng không hề dễ dàng và lượng nhiên liệu sử dụng rất lớn.
Hiện nay, ngành vận tải đang gặp rất nhiều khó khăn kể cả hàng hóa và hành khách khi đang có quá nhiều các hãng vận tải hoạt động. Bên cạnh đó, nạn xe dù bến cóc, xe khách trá hình hoạt động ngang nhiên không tuân thủ các quy định của pháp luật cạnh tranh không lành mạnh. Hơn nữa, cước phí đường bộ hiện rất cao và phí trùng phí.
Do vậy, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường xăng dầu buộc các doanh nghiệp vận tải phải tăng giá cước, dẫn đến sẽ tăng gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp …
Giới chuyên gia nhận định việc tăng thuế bảo vệ môi trường này tương đương với việc tận thu túi tiền của người dân, tuy nhiên, việc tận thu này lại không phục vụ cho mục đích phù hợp.
Cần cân nhắc và có lộ trình
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 ngày 9/7, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cũng cho biết xăng dầu là đầu vào của các mặt hàng khác trong sản xuất kinh doanh và cả tiêu dùng nên cần xem xét về việc tăng thuế loại mặt hàng này.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhận định nhiều khả năng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua việc tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng.
Trong trường hợp đó, ông Hải cho biết: “Bộ Công Thương sẽ đề nghị Chính phủ trước hết không đưa việc tăng thuế 1.000 đồng này vào giá xăng dầu. Còn nếu có, phải có lộ trình hết sức cụ thể chứ không thể tăng ngay một lúc 1.000 đồng, như thế sẽ có tác động rất lớn”.
Ngay tại hội nghị, ông Hải cũng đã xin ý kiến Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc trong cuộc họp với Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 10/7 sẽ đề nghị không đưa ngay việc tăng giá này.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng cho rằng đề xuất tăng thuế với mặt hàng xăng dầu cần được xem xét, tính toán cẩn trọng do xăng dầu là mặt hàng thiết yếu và là nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Bộ Công Thương, việc điều chỉnh thuế cũng cần được cân nhắc trong bối cảnh Nhà nước đang khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học (E5, E10) thay thế các loại xăng không chì, đồng thời đảm bảo giá xăng dầu trong nước không biến động lớn gây ảnh hưởng đến thị trường và người tiêu dùng.
Trước đó, tại buổi công bố báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm, phía Tổng cục Thống kê đã cho biết việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu cùng với đà tăng thế giới của mặt hàng này sẽ đẩy giá cả cuối năm lên.
Tính toán cho thấy, tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm tăng 0,27 – 0,29%, trong khi áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm là rất lớn.