Trong số các thương hiệu thực phẩm được chọn mua nhiều nhất tại Việt Nam năm 2018 được công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel công bố gần đây có thể kể đến vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng ở khu vực thành thị của mì Hảo Hảo với mức tăng trưởng CRP 10% nhờ vào sự thành công của sản phẩm mới là Hảo Hảo Handy (mì ly) được cho là mang lại tiện lợi cho người tiêu dùng.
Đây là sản phẩm của công ty Acecook – một doanh nghiệp (DN) 100% vốn Nhật và đang nắm giữ hơn 50%thị phần mì gói tại Việt Nam, cung cấp 3 tỷ gói mì mỗi năm.
Mất dần hệ thống phân phối
Sự thành công của một số nhà đầu tư Nhật trên thị trường thực phẩm Việt đang là động lực để nhiều DN Nhật khác trong ngành thực phẩm đổ xô vào Việt Nam.
Mặt khác, kim ngạch xuất khẩu thực phẩm và nông thủy sản Nhật sang Việt Nam hiện được cho là đã vượt qua Thái Lan, trở thành thị trường xuất khẩu đứng thứ 6 của Nhật Bản (riêng 5 tháng đầu năm 2018 đã tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước).
Ngoài thực phẩm Nhật, nhìn vào số liệu của Tổng cục Hải quan về nhập khẩu thịt trong nửa đầu năm nay đủ để các DN thực phẩm nội địa phải suy nghĩ trong bối cảnh chật vật đầu ra. Cụ thể, Việt Nam đã nhập khẩu gần 140.000 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, với trị giá 216,3 triệu USD.
Việt Nam nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt từ 35 thị trường trên thế giới, trong đó Mỹ chiếm 30%. Nếu tính riêng với sản phẩm thịt gà, 6 tháng đầu năm 2018, Việt Nam nhập khẩu gần 88.000 tấn thịt gà (bao gồm cánh, đùi, gà nguyên con, gà loại khác), đạt trị giá khoảng 84 triệu USD, bằng khoảng 72% cả năm ngoái (nhập khẩu hơn 122.000 tấn thịt gà trị giá 111,6 triệu USD).
Tuần qua, tại hội thảo diễn ra ở Tp.HCM liên quan đến sức cạnh tranh của DN nội địa trong ngành thực phẩm, nhiều ý kiến cũng bày tỏ sự lo ngại trước sức ép từ thực phẩm ngoại đang tấn công dồn dập thị trường Việt. Vấn đề được đặt ra là trong bối cảnh kinh doanh mới đầy cạnh tranh từ khối ngoại, các DN thực phẩm nội địa cần phải làm gì để ứng phó?
Ts. Huỳnh Thanh Điền (chuyên gia tư vấn chính sách), nhận định DN thực phẩm ngoại có chiến lược thâm nhập thị trường Việt Nam rất rõ nét bởi sự dẫn dắt của các công ty bán lẻ sẽ ưu tiên phân phối hàng nước họ. Hệ thống phân phối trong nước đang mất dần vào các tập đoàn bán lẻ lớn nước ngoài đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…
“Hệ thống này sẽ đặt ra những tiêu chuẩn phù hợp với DN nước họ, nhưng bất lợi đối với DN trong nước để đạt chuẩn đưa vào hệ thống phân phối của họ ở Việt Nam. Điều này sẽ khiến các DN Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn”, ông Điền lưu ý.
Tái lập lợi thế mới
Mặt khác, ông Điền cũng chỉ rõ lâu nay, phần lớn DN Việt, trong đó có DN trong ngành thực phẩm, thường thiếu định hướng xuất khẩu, nên không nắm bắt các tiêu chuẩn của các nước, cũng nhưng không am hiểu đường đi nước bước khi xuất khẩu.
Do đó, tuy thuế suất bằng không, nhưng khả năng sản xuất đạt chuẩn để xuất khẩu, phát triển mạng lưới phân phối ở các thị trường quốc tế rất hạn chế (nếu không muốn nói là không có khả năng) nên đối mặt với thách thức nhiều hơn là cơ hội.
Vì vậy, theo đánh giá của ông Điền, khi thực phẩm nước ngoài vào Việt Nam với tiêu chuẩn cao hơn, an toàn hơn, lại có chất lượng hơn, mẫu mã đẹp hơn, giá bán thấp hơn (do năng suất sản xuất cao hơn)…, nguy cơ khách hàng trong nước quay lưng với DN thực phẩm nội cũng là dễ hiểu.
Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng là một điểm yếu của các DN nội địa. Như chia sẻ của bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc công ty cổ phần Sài Gòn Food, các DN trong nước đang nhập khẩu rất nhiều nguyên phụ liệu cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, trong đó gần như 100% các nguyên liệu phụ gia chế biến thực phẩm là nhập từ nước ngoài. Ngay như nhiều loại bao bì thực phẩm thuộc dạng cao cấp, các DN cũng phải nhập do trong nước không sản xuất được.
Trong khi đó, ngành hàng thực phẩm liên tục xuất hiện nhiều thương hiệu mới, sản phẩm mới, chủng loại mới (ước tính hồi năm 2017 trên thị trường thực phẩm Việt có thêm gần 2.000 sản phẩm mới, mạnh nhất là trong mảng thực phẩm đóng gói), nên áp lực phải cải tiến với DN thực phẩm nội lại càng gia tăng.
Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, một số chủ DN thực phẩm ở Tp.HCM cho biết dù họ chủ động cải tiến công nghệ, thường xuyên ra sản phẩm mới nhưng để giữ chân được người tiêu dùng lâu dài thì lại không dễ, vì người tiêu dùng có quá nhiều lựa chọn trước hàng loạt sản phẩm mới khác của khối ngoại.
Để thoát phận “chiếu dưới”, giới chuyên gia nhấn mạnh các DN thực phẩm Việt cần có “tư duy toàn cầu” về các tiêu chuẩn sản xuất, sản phẩm. Đồng thời, nên có phương thức phân phối để đầu tư công nghệ, quản lý sản xuất, phát triển năng lực khai thác thị trường tốt hơn. Các DN nội cần tái lập lợi thế mới để vượt lên trong bối cảnh đã mất quá nhiều lợi thế trong thời gian qua vào tay khối ngoại.