Cùng với các địa phương lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang…, thị trường bất động sản Thái Nguyên thời gian qua cũng có sức hút với nhiều doanh nghiệp bất động sản lớn như Tập đoàn Tiến Bộ, Kosy, TNG, Thiên Lộc… Trong đó, phân khúc đất nền nhận được nhiều sự quan tâm và cũng được rao bán, quảng cáo rất rầm rộ.
Trên các trang rao vặt và diễn đàn, có hàng loạt dự án bất động sản đất nền tại Thái Nguyên đang được rao bán rầm rộ với những quảng cáo đầy hấp dẫn về tiện ích, khả năng sinh lời, giá tăng cao, cháy hàng…
Một số dự án được rao bán với mức giá khá cao như Dự án New
Horizon City giáp mặt đường Bắc Sơn (TP. Thái Nguyên) có giá thấp nhất là 15 triệu đồng/m2 và trên 3 tỷ đồng/lô có diện tích 149 m2, hay Dự án Khu đô thị Diamond City (TP. Sông Công) với các căn biệt thự liền kề có diện tích từ 50 – 100 m2/lô cũng được rao bán với giá từ 410 triệu đồng/lô…
Tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, chị N., một môi giới tự do tại TP. Thái Nguyên cho biết, các dự án bất động sản tại Thái Nguyên hiện nay đa phần là dự án theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Việc giá đất nền tại các dự án này tăng cao hiện nay chủ yếu là do các cò đất thổi giá, ít có giao dịch, nên không có chuyện sốt giá đất nền như những lời đồn thổi.
“Giá đất dân cư ở các phường Tân Thịnh, Thịnh Đán, Thịnh Đức, Tân Long, Tân Lập, Gia Sàng, Cam Gia (TP. Thái Nguyên) chỉ có giá 2,5 – 3 triệu đồng/m2. Tôi vừa mua một khu đất diện tích 354 m2 tại tổ 15, phường Thịnh Đán có sổ đỏ giá sau khi được chủ đất ‘ra lộc’ và trừ phí sang tên, chỉ 888 triệu đồng”, chị N., cho biết.
Theo chị N., Đây là khu đất có vị thế đẹp, nằm cạnh các trường cao đẳng, đại học, Viện A, Viện Lao – Phổi, sát nút giao lên đường cao tốc và một số công ty, nên mới có giá đó, còn đi sâu vào trong, giá còn rẻ hơn.
“Việc các đơn vị thi nhau thổi giá để tạo cơn sốt ảo, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp, nhưng thực tế, rất ít có giao dịch, các sàn gần như đông cứng”, chị N., cho biết thêm.
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện một công ty bất động sản có tiếng trên địa bàn Thái Nguyên cũng cho biết, thời gian qua, đúng là phân khúc đất nền trên địa bàn Thái Nguyên được giới thiệu rầm rộ với giá rất cao dù nhiều dự án chưa hoàn thiện hạ tầng, thậm chí có dự án còn chưa giải phóng xong mặt bằng.
“Dù không nắm được rõ giao dịch, nhưng chỉ nhìn vào thu nhập và nhu cầu thực của người dân sở tại có thể đánh giá, khó có chuyện sốt đất nền trên địa bàn Thái Nguyên”, vị này đánh giá.
Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Huy Hải chia sẻ: “Lâu nay, ở đây không có cơn sốt đất, hay cơn bão giá bất động sản nào như nhiều người tưởng. Nhiều dự án xây dựng khu dân cư, khu đô thị vẫn án binh bất động”.
Theo nhận định của các chuyên gia, nhờ sự phát triển của các khu công nghiệp, nên Thái Nguyên thu hút nhiều lao động nhập cư về làm việc và định cư, tạo ra nhu cầu lớn về nhà ở. Tuy nhiên, đa số họ là công nhân, có mức thu nhập thấp, nên khó có khả năng mua đất nền giá trên dưới 700 triệu đồng/lô để làm nhà, chủ yếu hướng đến mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp cho công nhân.
Ông Trần Mạnh Phong, Giám đốc Chi nhánh Thẩm định giá và Đấu giá Việt Bắc – Công ty cổ phần Tư vấn và Thẩm định giá Doanh nghiệp cho biết, gần đây, nhiều thông tin do các sàn môi giới, cò đất tung tin “sốt giá đất”, hay “cháy hàng” đất nền dự án… đều là ảo. Mục đích của họ là để tạo tâm lý xáo động cho người mua.
“Nhiều nhà đầu tư sau khi gom được một số lô đất dự án trên các tuyến đường sắp và mới mở của TP. Thái Nguyên như Bắc Sơn kéo dài, Việt Bắc kéo dài, Bắc Nam – cầu Huống Thượng… đã tìm mọi cách đẩy giá, tạo sốt ảo để thoát hàng, kiếm lời. Do đó, người mua nhà để ở hoặc nhà đầu tư sau cần tỉnh táo nếu không sẽ bị kẹt vốn”, ông Phong khuyến cáo.