“Chúng ta giờ đã chịu thuế thép và nhôm và đang đứng trước nguy cơ bị áp thuế xe hơi”, hãng tin CNN dẫn lời bà Merkel phát biểu trước Quốc hội Đức ngày 4/7. “Đây là con đường của xung đột thương mại, tôi không muốn sử dụng từ ngữ nặng nề hơn. Cần phải cố gắng hết sức để giảm căng thẳng, để xung đột này không trở thành một cuộc chiến tranh thương mại”.
Ông Trump đã dọa áp thuế 20% lên xe hơi nhập khẩu từ châu Âu vào Mỹ nếu Liên minh châu ÂU (EU) không dỡ bỏ hàng rào thương mại đối với hàng Mỹ.
Việc áp thuế như vậy chắc chắn sẽ làm gia tăng mạnh căng thẳng giữa EU với Mỹ – đối tác thương mại lớn nhất của khối này. Mỗi năm, thương mại hàng hóa và dịch vụ giữa EU và Mỹ đạt hơn 1,2 nghìn tỷ USD.
Hồi tháng 5, Chính phủ Mỹ mở một cuộc điều tra nhằm vào ôtô và phụ tùng ôtô nhập khẩu.
Đây là cuộc điều tra được mở theo Điều 232 Luật Thương mại Mỹ, nhằm xác định xe ôtô và phụ tùng ôtô nhập khẩu có gây phương hại cho an ninh quốc gia Mỹ. Đây cũng là cách làm mà chính quyền ông Trump áp dụng trước khi áp thuế lên thép và nhôm nhập khẩu.
EU đã nói rằng cuộc điều tra của Mỹ “thiếu hợp lệ, thiếu nền tảng thực tế và vi phạm nguyên tắc thương mại quốc tế”. EU cũng nói thuế quan mới áp lên xe hơi sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Mỹ.
Hôm thứ Tư, các tổ chức đại diện cho công nghiệp ôtô Đức nói rằng việc Mỹ áp thuế sẽ ảnh hưởng xấu đến đầu tư vào lĩnh vực này ở Mỹ. Họ nói hiện có hơn 300 cơ sở xe hơi Đức ở Mỹ, hỗ trợ gần 120.000 việc làm.
Theo bà Merkel, thay vì áp thuế, Mỹ nên làm việc với các đối tác thương mại để tìm ra giải pháp đa phương cho các mối bất mãn về thương mại của Washington. “Đức sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn căng thẳng leo thang”, bà nói.