Là người quản lý quỹ đầu tư tài chính có giá trị hơn 3 tỷ USD ở thị trường Việt Nam, ông nhìn nhận thế nào về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 30 năm qua?
Có thể nói, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là lựa chọn tốt nhất của Việt Nam ở thời điểm cách đây 30 năm và vẫn là nguồn vốn quan trọng cho phát triển kinh tế trong nhiều năm sau đó.
Ở thời kỳ đầu, thu hút FDI là thâm dụng nhân công, thậm chí “bán” môi trường khi phải chấp nhận các ngành nghề sản xuất có nguy cơ ô nhiễm cao.
Các nước khởi động phong trào đầu tư nước ngoài chủ yếu là các nước nghèo giống như xuất phát điểm của Việt Nam.
Nhưng nhiều nước đã rất thành công trong lấy đầu tư nước ngoài làm đòn bẩy phát triển kinh tế trong nước như Nhật Bản chẳng hạn.
Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định, Việt Nam là nước thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài, thậm chí thành công lớn. Năm 2017, giải ngân FDI bằng 8% GDP, trong khi trên thế giới tỷ lệ này chỉ là 4%, Bangladesh là 1% GDP.
Ngoài lao động giá rẻ, Việt Nam còn có những yếu tố khác như ổn định chính trị, phổ cập giáo dục ở mức cao. Đặc tính người Việt Nam là chăm chỉ, ham học, đề cao văn hóa gia đình là môi trường thuận lợi cho đầu tư phát triển.
Việt Nam có lợi thế vị trí địa lý ở khu vực trung tâm của ASEAN. Ở đâu có nhà máy thì ở đó cảng biển chỉ cách 3 tiếng đồng hồ. Đó là lý do vì sao Việt Nam thu hút thành công vốn đầu tư nước ngoài. Sự thành công đó có thể cảm nhận là không kém nước nào trong khu vực.
Khi đầu tư vào Việt Nam, các nhà đầu tư tài chính có quan tâm đến dòng vốn FDI không, thưa ông?
Rõ ràng là đầu tư trực tiếp đi trước, rồi đến các nhà đầu tư tài chính và đến nhà đầu tư chiến lược. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp mang lại sự ổn định cho vĩ mô, mang lại công ăn việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng sức cầu nội địa.
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp cùng với sự thúc đẩy kinh tế tư nhân ở Việt Nam là một trụ cột quan trọng cho phát triển dài hạn.
Tuy nhiên, nhìn vào các con số thống kê hiện nay, chúng tôi không rõ trong tổng vốn đầu tư FDI giải ngân “bao nhiêu là vốn của chúng ta và bao nhiêu trong đó là vốn của các ông chủ nước ngoài”. Tức một nhà đầu tư nước ngoài vào đây cũng có thể vay vốn để đầu tư.
Qua 30 năm, việc thu hút vốn nước ngoài của Việt Nam đã bước lên nấc phát triển cao hơn. Từ bước ban đầu là đầu tư ngành khai thác tài nguyên hay ngành thâm dụng lao động, chuyển sang đầu cơ đất, bất động sản, đến đầu tư sản xuất ngành hàng tiêu dùng.
Gần đây, dòng vốn nước ngoài xuất hiện ngày càng nhiều đầu tư trực tiếp thông qua phương thức đầu tư gián tiếp và những người bỏ vốn vào các thương vụ này được gọi là nhà đầu tư chiến lược. Dạng đầu tư chiến lược đang nở rộ ở thị trường Việt Nam.
Theo ông, Chính phủ Việt Nam cần làm gì để định hướng thu hút vốn nước ngoài, nhất là từ những nhà đầu tư chiến lược?
Cảm nhận của tôi là Việt Nam chưa có định hướng rõ ràng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài qua thị trường tài chính. Có thể là vì chưa có đủ thời gian để đánh giá.
Gần đây, chúng ta chứng kiến những thương vụ thu hút vốn đầu tư nước ngoài rất lớn, kể cả thu hút nhà đầu chiến lược cũng như thu hút nhà đầu tư tài chính.
Chẳng hạn như Techcombank bán cổ phần thu về 400 triệu USD, tương đương 8.000 tỷ đồng. Tình hình này đặt Việt Nam trước câu hỏi về mức độ cởi mở cho đầu tư vốn của nhà đầu tư ngoại.
Mỗi nước có một chính sách riêng trong vấn đề này. Ở Anh, Chính phủ để cho nhà đầu tư nước ngoài làm thu gom rác, điện nước, dịch vụ ở các sân bay, nhưng Pháp lại hạn chế.
Chính sách cổ phần hóa, đa dạng hóa sở hữu để phát triển doanh nghiệp nhà nước đòi hỏi phải có nguồn vốn mới từ những nhà đầu tư chiến lược. Ở Việt Nam, nhà đầu tư chiến lược đúng nghĩa vừa mạnh về vốn, công nghệ, kinh nghiệm chủ yếu tập trung vào nhà đầu tư ngoại.
Điểm thứ hai cần lưu ý là các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã lớn mạnh đến mức độ mà nhà đầu tư nước ngoài có thể nhìn thấy, hình dung và đánh giá. Nhưng ở thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp đang phải chuẩn bị cho việc chuyển giao và kế thừa giữa hai thế hệ.
Hiện có tới 80% công ty niêm yết người lãnh đạo đã tại vị hai thập kỷ, cần chuẩn bị chuyển giao quyền quản lý cho thế hệ sau. Việc này thực sự khó vì chưa có tiền lệ những người chủ chuyển quyền quản lý cho người khác.
Chúng tôi không lạ gì vấn đề này, vì đó cũng là vấn đề của Dragon. Chúng tôi thành lập năm 1994, đến nay những người sáng lập vẫn ngồi quản lý, nhưng đã đến lúc phải chuyển giao. Đây là cơ hội vàng cho nhà đầu tư chiến lược.
Tại Dragon, đào tạo thế hệ thứ hai bằng cách để họ không chỉ làm tốt lĩnh vực chuyên môn của mình, mà còn có cơ hội mở rộng tầm nhìn sang các lĩnh vực khác không phải sở trường của họ.
Làm thế thì phải có văn hóa chấp nhận sai lầm, tức người trẻ có thể làm sai mà không bị kỷ luật. Điều này là khó. Mà khó quá thì ở nhiều công ty, người chủ sẽ quyết định bán.
Có nguồn lực mới, các tập đoàn tư nhân tiếp tục lớn mạnh. Liệu Việt Nam có chấp nhận các tập đoàn tư nhân lớn đến mức trở thành trụ cột của nền kinh tế, như ở Malaysia khoảng 20 công ty tư nhân chiếm 80% nền kinh tế?
Nói chung, cởi mở hơn với vốn đầu tư nước ngoài có nghĩa là chấp nhận rủi ro lớn hơn. Việt Nam cần có thời gian để xem xét vấn đề này.
Trả lời câu hỏi Việt Nam cởi mở cho đầu tư tài chính nước ngoài như thế nào cần bắt đầu bằng việc chúng ta có đủ sức chịu rủi ro của các dòng vốn đó. Điều đó đòi hỏi thanh khoản, hoàn thiện các định chế, xây dựng thị trường công khai, chế độ tỷ giá ngoại hối và lợi thế quy mô thị trường…
Tức là cần nhìn vào bên trong nền kinh tế xem khả năng chịu đựng như thế nào. Mà khả năng đó thay đổi theo từng thời kỳ, nên tôi cho rằng để các nền kinh tế như Việt Nam ổn định và phát triển thì việc mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài theo lộ trình là hợp lý.