Chỉ còn một ngày nữa, Thông tư 19 quy định cho phép các thương nhân thanh toán bằng đồng NDT tại khu vực biên giới có hiệu lực. Nhưng đến thời điểm này, nhiều chuyên gia lo ngại về việc chưa có những biện pháp, chế tài xử lý khi Thông tư bị lợi dụng là công cụ chính thức hóa, mở ra phạm vi thanh toán ở lãnh thổ Việt Nam.
Nhiều lo lắng
Thông tư 19 ra đời nhằm hướng dẫn Nghị định 14/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới và thay thế Quyết định 689/2004/ QĐ-NHNN về việc ban hành quy chế thanh toán trong mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc.
Thông tư 19 hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Trung Quốc cho các thương nhân 7 tỉnh biên giới gồm Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh được tự do sử dụng tiền mặt NDT hoặc Việt Nam đồng (VND) khi thanh toán mua bán hàng hóa qua biên giới.
Thông tư quy định, thương nhân chỉ được nhận thanh toán bằng tiền mặt (VND, NDT) trên cơ sở hợp đồng xuất khẩu hàng hóa và nộp ngay vào tài khoản mở tại ngân hàng thương mại trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tiền, không cho phép lưu thông trên thị trường lượng NDT tiền mặt này.
Chia sẻ với báo chí tại tọa đàm Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2018 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VERP) tổ chức ngày 10/10, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng những quy định trong Thông tư 19 về cơ bản chặt chẽ, nêu rõ đối tượng và phạm vi điều chỉnh.
Vậy, vì sao lại có những ý kiến lo ngại liệu việc Thông tư 19 dễ bị lạm dụng là công cụ chính thức hóa đồng NDT mở rộng phạm vi thanh toán ở lãnh thổ Việt Nam?
Theo các chuyên gia, lo lắng trên hoàn toàn có cơ sở, bởi hiện nay, giao thương kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng tăng. Cùng với đó, lượng khách du lịch từ Trung Quốc sang Việt Nam ngày càng nhiều.
Bà Lan phân tích hiện nay, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc lớn nhất. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam – Trung Quốc 8 tháng đầu năm 2018 là 64,8 tỷ USD.
Chưa kể, hàng hóa Trung Quốc len lỏi vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch với quy mô ngày càng lớn, rất phức tạp, khó kiểm soát.
Thông qua kênh du lịch, nhiều người Trung Quốc đã vào Việt Nam kinh doanh, làm lao động, tiêu tiền NDT trong các giao dịch với nhau.
“Thông tư 19 ra đời trong bối cảnh đó khiến nhiều người không khỏi lo lắng, hoài nghi. Vì vậy, nếu không cẩn thận, Việt Nam sẽ tự đẩy khó về mình”, bà Lan nói.
Cùng chung nỗi lo, Ts. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng NHNN cần phải theo dõi chặt chẽ khi Thông tư có hiệu lực. “Tôi lo ngại quy định đó NHNN chỉ áp dụng trong vùng biên mậu, tuy nhiên nếu không kiểm soát chặt chẽ, nó có thể sẽ lan tỏa ra những vùng khác”, ông Hiếu phân tích.
Cần kiểm soát chặt chẽ
Thực tế, du khách cũng như thương nhân Trung Quốc không chỉ đến những vùng biên mậu làm ăn, mà còn đến các vùng khác trong lãnh thổ Việt Nam. Vì vậy, NHNN cần có biện pháp kiểm soát làm sao để bảo đảm chỉ có thể áp dụng ở các vùng biên mậu mà không lan tỏa ra các vùng khác.
Chỉ còn một ngày nữa (12/10), Thông tư 19 chính thức có hiệu lực, nhưng hiện cơ quan quản lý vẫn chưa đưa ra được biện pháp, chế tài xử lý khi việc lưu thông đồng NDT ra các vùng khác.
Theo ông Hiếu, NHNN nên theo dõi hết sức chặt chẽ và có báo cáo chính xác về hiệu quả và hậu quả Thông tư đó cho toàn nền kinh tế.
Các chuyên gia cho rằng nếu để xảy ra việc lan tỏa đồng NDT ra ngoài, hậu quả sẽ khó lường. Ông Hiếu phân tích, khi một đồng tiền khác lưu hành trên lãnh thổ nước ta đồng nghĩa với việc đồng tiền ở trên nền kinh tế sẽ phình ra. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của NHNN và Chính phủ. Ngoài ra, việc lan tỏa tiền NDT có thể tác động tiêu cực tới xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch công ty Luật Basico, cho rằng cũng giống như đối với các ngoại tệ khác, việc thanh toán bằng đồng NDT ngoài khu vực biên giới là bất hợp pháp và người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính với số tiền rất lớn, đồng thời bị tịch thu toàn bộ số tiền thanh toán vi phạm.
Cụ thể, nếu sử dụng đồng tiền mặt NDT để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ trái với quy định trên thì cá nhân có thể bị xử phạt từ 200 đến 250 triệu đồng và tổ chức có thể bị xử phạt gấp đôi số tiền này theo quy định.
Nếu vận chuyển trái phép qua biên giới số tiền VND hay NDT có trị giá từ 5 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử phạt đến 100 triệu đồng (đối với cá nhân) hoặc 200 triệu đồng (đối với tổ chức).
Nếu vận chuyển trái phép qua biên giới số tiền VND hay NDT có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên thì có thể bị xử phạt hình sự theo quy định tại Điều 189 về “Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”, Bộ luật Hình sự năm 2015, với mức hình phạt cao nhất có thể lên đến 10 năm tù.
“Nếu người dân nắm rõ quy định này và các cơ quan chức năng làm hết trách nhiệm thì không đáng lo ngại”, ông Đức nói.