Đã xuất hiện các yếu tố hỗ trợ
Số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và cá nhân tăng ngay từ tháng 1/2018. Cụ thể, vốn huy động tăng 0,5% so với cuối năm 2017 (cùng kỳ tháng 1 năm 2016 và năm 2017 đều giảm lần lượt là 0,8% và 1,3%). Trong đó, vốn huy động bằng VND tăng 0,6%, chiếm 90,3% tổng vốn huy động; vốn huy động bằng ngoại tệ giảm 0,3%, chiếm 9,7% tổng vốn huy động.
Tương tự mấy năm trở lại đây, thị trường tiền tệ liên ngân hàng trong tháng 2 diễn biến khá sôi động theo hai giai đoạn khác biệt rõ rệt: Thanh khoản bớt dồi dào trong 2 tuần đầu trước Tết Nguyên đán và nhanh chóng ổn định trở lại trong thời gian sau Tết. Cụ thể, mặt bằng lãi suất đã tăng mạnh khoảng 2,0 – 2,5%/năm trong 2 tuần đầu trước Tết lên mức 4,5 – 5,0%/năm với kỳ hạn 1 tuần, nhưng sau đó nhanh chóng điều chỉnh giảm về mức 1,0 – 1,5%/năm trong tuần sau Tết.
Theo tính toán của Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ BIDV, bình quân cả 2 tháng, lãi suất liên ngân hàng ở mức 2,84%/năm đối với kỳ hạn 1 tuần, tăng 0,8% so với mức bình quân tháng trước nhưng vẫn thấp hơn 1,0% so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị giao dịch bình quân phiên tháng 1 đạt khoảng 28 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 8% so với giá trị giao dịch của tháng trước, giao dịch tập trung chủ yếu ở kỳ hạn qua đêm – 1 tuần (chiếm khoảng 76% tổng khối lượng giao dịch).
Thanh khoản thị trường có xu hướng căng thẳng hơn trong giai đoạn trước Tết không phải điều bất thường, bởi chủ yếu do tác động của yếu tố mùa vụ khi khối lượng lớn tiền mặt rút khỏi lưu thông nhằm phục vụ các nhu cầu thanh toán, sử dụng trong Tết âm lịch.
“Điều này khiến huy động vốn sụt giảm nhanh trong ngắn hạn, tuy nhiên, nếu xét trên tổng thể kinh tế vĩ mô và hệ thống thì các yếu tố tác động về cơ bản vẫn hỗ trợ cho xu hướng lãi suất ổn định”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.
Một nghiên cứu của Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ BIDV cho biết, NHNN đã điều hành cung tiền linh hoạt, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống. Cụ thể, NHNN đã bơm ròng khoảng 24 nghìn tỷ đồng trong tháng 2/2018.
Bên cạnh đó, số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tiếp tục duy trì ở mức rất cao do tiến độ chi đầu tư phát triển trong thời gian đầu năm vẫn ở mức rất thấp, tính đến cuối tháng 1/2018 mới chỉ đạt hơn 1% kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2018 mà Quốc hội giao cho.
Theo các chuyên gia kinh tế, dự báo thanh khoản thị trường trong tháng 3/2018 tiếp tục dồi dào. Mặt bằng lãi suất dự kiến dao động ở mức thấp, bình quân khoảng 1,5%/năm với kỳ hạn 1 tuần.
Điểm đáng chú ý được TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh: “Lợi suất của trái phiếu Chính phủ hiện đang giảm do thị trường chấp nhận rủi ro của trái phiếu Chính phủ thấp nên lợi suất thấp, điều này đương nhiên tác động đến mặt bằng lãi suất chung”.
Hiện tại, lãi suất trúng thầu của trái phiếu kỳ hạn 5 năm là 3,05%/năm, 7 năm là 3,4%/năm, 10 năm trong khoảng 4,00 – 4,35%/năm, 15 năm trong khoảng 4,40 – 4,50%/năm. So với tháng 1/2018, lãi suất trúng thầu của trái phiếu Kho bạc Nhà nước giảm trên tất cả các kỳ hạn. Theo đó, kỳ hạn 5 năm giảm 1,25%/năm, 7 năm giảm 0,95%/năm, 10 năm giảm 0,38%/năm, 15 năm giảm 0,1%/năm.
Có hạ được lãi suất?
Lãnh đạo cao cấp Khối Nguồn vốn BIDV nhận định, mặt bằng lãi suất trong tháng 3 sẽ chịu tác động bởi các yếu tố hỗ trợ xu hướng giảm là chủ đạo. Cụ thể, huy động vốn dự kiến tăng trưởng nhanh hơn so với tín dụng trong bối cảnh tiền mặt ngoài lưu thông trở lại hệ thống ngân hàng, trong khi tín dụng dự kiến vẫn chưa thể tăng trưởng mạnh. Theo đó, chênh lệch huy động vốn tín dụng VND dự kiến sẽ mở rộng khoảng 20 – 30 nghìn tỷ đồng trong tháng 3.
Bên cạnh đó, số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước dự kiến giảm nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức cao do giải ngân đầu tư công trong giai đoạn đầu năm chưa có nhiều cải thiện tích cực. Lãi suất sẽ chưa giảm sâu xuống dưới 1%/năm (tương tự giai đoạn cuối năm 2017) do NHNN dự kiến tiếp tục tăng cường hút về qua kênh tín phiếu trong tháng 3 để giảm bớt lượng tiền dư thừa trên thị trường.
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank cho biết: “Khi làm việc nhiều với khách hàng có quy mô trung và vừa, chúng tôi nhận thấy vấn đề của họ không chỉ là vốn vay hay lãi suất cao, mà phần nhiều là chi phí tài chính cao – chi phí bảo lãnh, thư cam kết, chuyển đổi ngoại tệ…
Thành thử, nếu ngân hàng chỉ tập trung vào giảm lãi suất, cho vay, thì không giải quyết được toàn diện các vấn đề của doanh nghiệp, mà phải là giảm chi phí tài chính của doanh nghiệp. Tuy vậy, trong năm 2018, Techcombank sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp”.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, để nâng cao tính lan tỏa trong việc điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng chủ động truyền thông trên trang thông tin điện tử chính thức của ngân hàng mình ngay sau khi điều chỉnh giảm lãi suất. Đồng thời, với Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 10/1/2018, NHNN đã chỉ đạo toàn hệ thống các tổ chức tín dụng triển khai nhiệm vụ kế hoạch ngành ngân hàng.
Trong đó, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.
“Thời gian tới, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính”, bà Hồng nói.
Mặt khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, có khả năng hạ được lãi suất huy động, tuy nhiên, câu chuyện hạ lãi suất cho vay nên được nhìn thêm ở nhiều góc độ.
“Lãi suất thể hiện hàm số của rủi ro. Doanh nghiệp có mức rủi ro cao sẽ phải chịu mức lãi suất cao. NHNN đang thúc đẩy các ngân hàng thương mại cho vay tín chấp, nhưng một thực tế là mức độ rủi ro của doanh nghiệp Việt Nam cao nên cho vay tín chấp là không nhiều và đương nhiên không thể có mức lãi suất cho vay thấp.
Còn các doanh nghiệp hoạt động tốt đều đã được các ngân hàng thương mại “mời chào” với mức lãi suất thấp kèm nhiều dịch vụ ưu đãi. Hiện tại, chênh lệch giữa chi phí vốn và lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng Việt Nam khoảng 2,4%, thực tế đang ở mức rất thấp”.