Nâng đỡ bằng các thương vụ bạc tỷ
Mặc dù chỉ là một chương trình truyền hình nhưng Shark Tank Việt Nam hiện nay đã bắt đầu chứng tỏ rằng hoạt động kết nối nhà đầu tư thông qua truyền thông là con đường tiếp thị ý tưởng và gọi vốn nhanh nhất đối với các dự án khởi nghiệp của người trẻ.
Thực tế cho thấy, kết thúc mùa phát sóng thứ nhất (tháng 12/2017), hàng loạt các dự án khởi nghiệp như: dự án Transform Studio (một studio chuyên về kỹ xảo vật lý, hóa trang) của 2 sinh viên Đỗ Đức Mười và Vũ Văn Trung; dự án Emwear chuyên về thời trang ở nhà cho phụ nữ của Nguyễn Thị Thùy Trang; dự án Super Ship của Lê Thanh Hoài; dự án vẽ tranh Tipsy Art của Nguyễn Thu Trang và Bùi Thu Ngân… đã được các nhà đầu tư lớn chấp thuận bỏ vốn gây dựng thương hiệu.
Theo đó, SAM Holdings và Quỹ đầu tư VinaCapital đã đầu tư 3,1 tỷ đồng cho 51% cổ phần của dự án Transform Studio. SAM Holdings cũng bỏ thêm 4 tỷ đồng đổi lấy 25% cổ phần của dự án Emwear và 20% cổ phần của dự án Super Ship. Trong khi đó, nhà sáng lập khu sinh thái The Bamboo Lê Đăng Khoa đầu tư 2,2 tỷ đồng cho dự án Tipsy Art; Chủ tịch Tập đoàn CEN Group rót vốn 3 tỷ đồng vào các dự án chế tạo xe lăn điện của Lê Văn Hóa và dự án thực phẩm hữu cơ Ogami của Phạm Duy Sơn.
Ghi nhận thực tế xã hội cho thấy việc trực tiếp tiếp xúc, thẩm vấn và tranh luận của các nhà đầu tư tư nhân nhiều kinh nghiệm thương trường tại chương trình Shark Tank đang tạo cơ hội rất tốt cho các doanh nghiệp trẻ khi trình bày ý tưởng và thuyết phục đầu tư vào các dự án khởi nghiệp. Thông qua việc thuyết trình, thương thuyết và ngay tại diễn đàn, các DN khởi nghiệp được chủ động nêu nhu cầu vốn đối với các nhà đầu tư và khẳng định chiến lược kinh doanh của mình. Đây có thể xem là một cách kết nối hiệu quả hơn rất nhiều so với việc khuyến khích đầu tư vào các dự án khởi nghiệp mà nhiều địa phương đang triển khai thực hiện.
Quan sát qua mùa thứ nhất của Shark Tank Việt Nam cho thấy đa phần các nhà đầu tư lớn rót vốn vào các dự án khởi nghiệp với mục đích “nâng đỡ”, hợp tác cùng phát triển là chủ yếu chứ không hẳn là để thâu tóm, chi phối. Chẳng hạn, hàng loạt các thương vụ vừa kể trên, phần vốn mà các nhà đầu tư lớn rót cho các dự án khởi nghiệp chỉ chiếm khoảng 20-50%. Chính điều này sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh thật sự trên thị trường khởi nghiệp, giúp thanh lọc các dự án, các ý tưởng kinh doanh có triển vọng phát triển và sinh lợi lâu dài.
Quan tâm dự án “trẻ”
Song hành với chương trình Shark Tank Việt Nam, tuần cuối của tháng 3 vừa qua Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh mở ra một tọa đàm dành riêng cho kỹ năng gọi vốn khởi nghiệp. Trong cuộc tọa đàm này, ông Lê Quốc Phong, Bí thư Thứ nhất của Trung ương Đoàn khẳng định trong năm 2018 Đoàn TNCS Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của sinh viên và người lao động trẻ được thực hiện và được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, rót vốn.
Ông Phong cho biết, trong năm nay Trung ương Đoàn sẽ tiếp tục có thêm những cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cho thanh niên nông thôn. Bên cạnh đó, một nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp của Trung ương Đoàn đã được hình thành và sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới.
Cùng diễn biến đó, mới đây, tại TP.HCM, trong cuộc gặp gỡ với 150 sinh viên tiêu biểu của các trường đại học trên địa bàn, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định, trong dài hạn thành phố sẽ phát triển kinh tế chủ yếu dựa trên dịch vụ, những ngành có giá trị gia tăng cao và tăng cường ứng dụng công nghệ dựa trên đổi mới sáng tạo. Chính vì vậy, những ý tưởng kinh doanh khởi nghiệp của sinh viên, người lao động trẻ sẽ tiếp tục được ủng hộ, tạo điều kiện để nhân rộng và phát triển thành các mô hình khởi nghiệp, tạo ra giá trị cho nền kinh tế của thành phố.
Ở TP.HCM chương trình Startup Wheel (Bánh xe khởi nghiệp) suốt 5 năm vừa qua đã bắt đầu thu hút khá lớn các dự án khởi nghiệp tham gia giới thiệu và đặt yêu cầu hút vốn. Hàng loạt các nhà đầu tư ở khu vực tư và công như: Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), Viện Đào tạo Quốc tế – Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, CTCP Dược phẩm Hoa Thiên Phú, Công ty Miniso Việt Nam, Ngân hàng SHB, OCB và HDBank… đã là những tổ chức tài chính tiên phong bỏ vốn vào các dự án khởi nghiệp của người trẻ. Suốt trong các năm 2016-2017, 100% các dự án được vào vòng trong của chương trình Startup Wheel đều đã được triển khai. Trong đó hơn 80% dự án đã thành lập DN, tiếp cận được nguồn vốn, nhận được đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và các quỹ đầu tư nước ngoài, một số sản phẩm thậm chí cũng đã tiếp cận được thị trường thế giới.
Tất cả những diễn biến trên cho thấy, sau khoảng 2-3 năm Chính phủ chủ trương tạo ra hệ sinh thái khởi nghiệp, đến thời điểm hiện nay, hệ sinh thái này đã bắt đầu có những bước chuyển biến rất tích cực. Dòng vốn khởi nghiệp từ điểm tựa khuyến khích bằng ngân sách của Trung ương và các địa phương bắt đầu đón nhận thêm “luồng gió mới” từ khối doanh nghiệp tư nhân lớn thông qua các cuộc thi, các diễn đàn thực tế và thực chất. Đây có thể xem là một tín hiệu đáng mừng đối với phong trào khởi nghiệp ngày một lên cao trên địa bàn cả nước hiện nay.