Điểm thuận lợi để thoái vốn khi thị trường chứng khoán (TTCK) đang trên đà tăng mạnh, chỉ số VN Index đã chạm mốc lịch sử từ hơn 10 năm trước. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán (CTCK) KIS Việt Nam, thoái vốn được kỳ vọng tiếp tục sôi động khi Chính phủ quyết tâm tái cơ cấu DNNN và áp lực nợ công chạm trần.
Theo báo cáo vừa được đại diện Bộ Tài chính cho biết, 4 đơn vị đã hoàn thành bán cổ phần lần đầu (IPO) trong 2 tháng đầu năm là: Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Tổng giá trị thực tế thu về sau IPO của 4 đơn vị trên là 17.913 tỷ đồng.
Trước đó, theo lãnh đạo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách sau 2 tháng đầu năm đạt 215.760 tỷ đồng, bằng 16,1% dự toán và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Về chi ngân sách, thống kê của ngành tài chính chỉ ra, tổng chi trong 2 tháng là 177.700 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong số này, riêng chi thường xuyên đạt 147.800 tỷ đồng, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong danh sách thoái vốn nhà nước năm 2018, tiếp tục có những cái tên được xem là trọng tâm và sẽ là điểm nóng trong mùa đại hội cổ đông sắp tới. Một cái tên nổi bật được Chỉnh phủ ký quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem), được các CTCK đánh giá sẽ là trọng tâm thoái vốn nhà nước trong thời gian tới sau năm 2017 khá im ắng. Theo đề án tái cơ cấu 2017- 2020, sau cổ phần hóa Vinachem sẽ giảm sở hữu xuống 51-65% tại các doanh nghiệp niêm niêm yết trên TTCK, để dọn đường cho quá trình cổ phần hóa và tiếp tục IPO Vinachem vào năm 2019, đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ lên 20.000 tỷ đồng. Hiện các cổ đông của các công ty con cũng đang ngóng chờ lộ trình của quá trình này.
Cùng với đó là các doanh nghiệp trong nhóm thoái vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), các doanh nghiệp thuộc quyền kiểm soát của TCT Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và các bộ ngành khác như Y tế, Giao thông, Xây dựng, Công thương cũng sẽ được đẩy mạnh lộ trình thoái vốn các DNNN chủ chốt. Một đại gia có vốn hóa lớn nhất trên TTCK hiện tại là Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) cũng có tên trong danh sách thoái vốn nhà nước trong năm 2018.
Theo kế hoạch, PVN sẽ thoái vốn để giảm tỷ lệ sở hữu tại PV Gas từ 95,8% xuống còn 65% trong 2 năm 2018-2019. PV Gas cũng đã hoàn thành xây dựng kế hoạch thoái vốn xuống 65%, cũng như hoàn thành và trình PVN phương án tăng vốn tại CTCP Kinh doanh khí miền Bắc (PGV) và CTCP Kinh doanh khí miền Nam (PGS) lên 51% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, không ít cổ đông đặt câu hỏi lớn về việc có nên tiến hành tăng vốn của PV Gas tại PVG, PGS hay không? Và điều này có đang đi ngược lại với chủ trương thoái vốn nhà nước của Chính phủ? Bởi theo ý kiến của nhiều chuyên gia cùng với việc PVN thoái vốn, PV Gas nên hướng tới việc tập trung đảm nhận xây dựng và quản lý hệ thống mạng lưới phân phối khí. Khi đó, nguồn khí đầu vào và đầu ra sẽ do PVN hoặc một công ty con do PVN thành lập quản lý và đảm nhiệm, PV Gas không còn hưởng lợi từ chênh lệch giá mua – bán mà chỉ còn hưởng phí vận chuyển.
Hiệu ứng thoái vốn đã tạo động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho VN Index trong năm 2017. Và theo phân tích của CTCK KIS Việt Nam, Vinachem, các doanh nghiệp của PVN cùng một loạt doanh nghiệp tư nhân khác sẽ tiếp tục viết tiếp một năm 2018 sôi động của TTCK.