Trong phiên họp thường kỳ tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành phân tích kỹ thực trạng của DNNN, xây dựng đề án sắp xếp tái cơ cấu DNNN đến từng tập đoàn, tổng công ty. Đáng chú ý, Chính phủ yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty tập trung vào lĩnh vực chính, đồng thời thực hiện thoái vốn đã đầu tư vào ngoài ngành nghề chính, nhất là vào 3 lĩnh vực: ngân hàng, CTCK, bảo hiểm.
Theo số liệu của Đảng ủy khối DN Trung ương, hiện có 21/31 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính, với tổng số vốn hơn 22.590 tỷ đồng. Trao đổi với ĐTCK, một số lãnh đạo tập đoàn khẳng định, việc họ đầu tư ngoài ngành đều thực hiện sau khi xin ý kiến của Chính phủ và đảm bảo thấp hơn tỷ lệ cho phép là 30% vốn điều lệ. Đơn cử, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt
Trong thời gian tới, các tập đoàn, tổng công ty sẽ thực hiện tái cơ cấu các khoản đầu tư ngoài ngành để tập trung vốn đầu tư vào những ngành nghề kinh doanh chính. Tuy nhiên, trong bối cảnh TTCK ảm đạm, việc thoái vốn với những khoản đầu tư lớn là rất khó khăn. Lực cầu nào sẽ hấp thụ hết số cổ phiếu nếu các DN đồng loạt thoái vốn?
Mới đây, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định về quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước tại DN, với sự tham dự của nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Theo Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), đơn vị chủ trì soạn thảo Nghị định, Dự thảo quy định DNNN chỉ được đầu tư, góp vốn vào ngân hàng, công ty bảo hiểm, CTCK mỗi lĩnh vực một DN. Mức vốn đầu tư vào từng lĩnh vực này không vượt quá 10% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn, nhưng tổng mức vốn đầu tư vào các lĩnh vực này không vượt quá 10% vốn chủ sở hữu của DN.
Dự thảo cũng nêu rõ, nếu trong cùng tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ có các công ty con cùng đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên, thì tổng mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ không vượt quá mức 15% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn. Trường hợp đặc biệt có nhu cầu đầu tư vượt quá quy định này, DN phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Dự thảo cũng mở ra hướng đi cho các DNNN không thực hiện được việc thoái vốn. Theo đó, DN có mức vốn đầu tư ngoài ngành vượt quá mức quy định trong dự thảo Nghị định này hoặc đã đầu tư góp vốn vào quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, thì trong thời gian 1 năm, kể từ ngày Nghị định có hiệu lực, phải có phương án cơ cấu lại mức đầu tư theo nguyên tắc bảo toàn vốn đã đầu tư. Trường hợp nếu thực hiện phương án cơ cấu lại mức đầu tư theo quy định mà không bảo toàn được vốn đầu tư, DN được tiếp tục duy trì mức đầu tư và thực hiện trích lập dự phòng tổn thất về đầu tư, đồng thời báo cáo chủ sở hữu để theo dõi, giám sát.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của ĐTCK, nhiều ý kiến cho rằng, nên tiến tới việc loại bỏ hẳn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế nhà nước. Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội, việc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thoái vốn khỏi lĩnh vực “nhạy cảm” như tài chính – ngân hàng là cần thiết, nhưng khi thực hiện cần giai đoạn quá độ 1 – 2 năm rồi mới tiến tới loại bỏ toàn bộ việc đầu tư ngoài ngành.
“Chúng ta cũng cần rà soát và có báo cáo cụ thể để xây dựng lộ trình thoái vốn, đặc biệt với những ngành quan trọng như điện, xăng dầu. Trong bối cảnh TTCK hiện nay, nếu ồ ạt thoái vốn có thể gây ra đổ vỡ lớn, chưa kể một số khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty có thể đang lỗ”, ông Phong nói. Về lâu dài, cần xây dựng Luật Đầu tư công, hiện nay mới chỉ là quy định tạm thời và có tính chất áp đặt. Luật phải hướng các DNNN vào ngành chính và có hiệu quả hơn.
TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty phải đi kèm với việc cải tổ, tái cơ cấu.
“Khi nhiều DN đầu tư đa ngành vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng, sẽ rủi ro lớn vì bản thân ngành này đòi hỏi kỹ năng quản trị cao, mang tính rủi ro hệ thống không chỉ cho công ty đó hay ngân hàng đó, mà cho cả nền kinh tế”, ông Thành nói.